KINH DOANH

ĐÃ KINH DOANH THÌ ĐỪNG MONG BÁN CHO NGƯỜI QUEN

ADOR Biên tập viên

Mình kinh doanh một cái gì đó, có nên kêu gọi bạn bè, gia đình, người quen ủng hộ mình không? Câu trả lời là không. Chớ có dại dột.

Nhiều bạn ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật. Tư duy của tiểu thương xưa nay khi mở ra làm ăn buôn bán, khách hàng mình nghĩ đầu tiên là người quen. Ví dụ nói với bạn bè, “Tao mới mở quán bún bò trên đường X, mày nhớ ghé ủng hộ nha”. Mở ra làm ăn là “nhờ 500 anh em ủng hộ”.

Rồi người quen ghé ăn, dẫn đến rất nhiều lúng túng. Mình bán phải đặc biệt tí, thêm thịt thêm bún, chứ giống khách khác thì cũng không ổn. Người quen ăn xong, mình không giảm giá cũng kỳ, mình lấy tiền cũng kỳ, mà không lấy tiền thì cũng kỳ nốt. Cảm giác mang ơn, nợ một món nợ tình cảm nó đè nặng trên người.

Dưới góc độ người ủng hộ, họ sẽ suy nghĩ khác. Nếu mình lấy tiền, họ sẽ nói “Trời ơi nó là bạn thân, giờ làm chủ quán, tao vô ăn mà nó cũng lấy tiền, giận”. Còn nếu không lấy tiền, họ nói “Trời ơi sao không lấy, ngại quá bữa sau tao không dám qua nữa”. Ai mà phức tạp hơn còn nghĩ “Nó ỷ nó làm chủ rồi, khinh không lấy tiền tao”, “Ghét cái thái độ” nên đi kể tùm lum. Mà những nhóm người quen này thì nhiều vô kể. Cuối cùng phải làm sao cho vừa lòng người đây, người ơi?

Tốt nhất là không kể, không tâm sự chuyện kinh doanh của mình cho người thân bạn bè, kể cả cha mẹ vợ chồng con cái. Họ quan tâm thì cám ơn, cười cười rồi không nói, bảo là có gì kể sau.

Còn hàng xóm láng giềng thì càng tuyệt đối không kể chuyện làm ăn của mình. Họ sẽ tò mò qua hỏi, hoặc nghe ngóng thông tin, hỏi thăm thông tin của người này người kia, nhưng mình cũng không chia sẻ. Ai muốn biết, kêu họ qua, nói ngồi xuống, giờ muốn biết thông tin gì, mình cung cấp cho chính xác. Có cần văn bản này nọ có đóng dấu đỏ không? Họ tò mò nhiều chuyện là do thiếu việc làm, không bận rộn, nhàn cư vi bất thiện. Mình tuyển họ vô làm nhân viên cho mình đi, giao việc từ sáng tới khuya là hết thời gian quan tâm đến xã hội.

Chuyện ai nấy làm. Không kêu gọi người thân ủng hộ là nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh. Họ mua thì bán, nhưng nói rõ họ cũng là người mua như mọi người mua khác. Ai vui vẻ ok thì làm, còn thấy khó chịu thì thôi sớm từ đầu, để khỏi rắc rối tốn thời gian về sau.

Cũng đừng bao giờ tập trung thời gian bán cho đối tượng ủng hộ. Ủng hộ thì không lâu dài được. Nhớ nhé các bạn. Đừng có nghĩ chồng mình làm Hiệu trưởng cái trường đó mà mở căn-tin bán cho học trò, giáo viên để họ ủng hộ. Họ ủng hộ cũng chỉ vài ba bữa, mà uy tín của chồng mình lại không được tốt, lỡ họ dùng món của vợ mình rồi thì chồng mình khiển trách họ không mạnh miệng được nữa (Tui ăn của vợ ông rồi, ông nói nặng lời là tui nghỉ ăn). Chưa kể là vài bữa chồng thôi chức Hiệu trưởng, thì căn-tin đó bán cho ai? Họ ăn vì sợ ông chồng chứ có phải nhu cầu ăn uống đâu?

Xưa thời bao cấp khó khăn, có nhiều thầy cô giáo vừa đi dạy vừa bán cà rem. Có lần học trò nó làm sai, cô giáo cho nó 1 điểm, nó khóc nó nói “Sao em mua hàng của cô mà cô cho em có 1 điểm? Bữa sau em sẽ mua cà rem của bà Tư ngoài cổng trường cho cô biết mặt”.

Đấy, nó khổ thế thấy, nó là học trò, tự dưng biến thành khách hàng, mua vì tình cảm hay cả nể sẽ không lâu dài. Chưa kể là quan hệ công việc (dạy – học) sẽ không tốt do có cà rem xen vào. Người xưa khuyên dạy, nếu chồng có chức có quyền, vợ con chỉ nên ở nhà tỉa hoa tỉa củ, đừng có tham lam mà kinh doanh trên quan hệ của chồng của cha. Trước mắt thì thuận lợi đó, nhưng ẩn chứa sự nguy hại khôn lường về sau.

Làm kinh doanh, cách xây dựng khách hàng đúng là phải tìm khách ổn định, tìm khách có nhu cầu. Việc mua hàng phải xuất phát từ nhu cầu. Người ta không có nhu cầu thì tạo cho người ta nhu cầu. Hãng xe Suzuki muốn bán xe ô tô cho Ấn Độ, họ đã viện trợ cho nước bạn xây dựng hệ thống chỗ đậu xe, rồi đường sá cao tốc nối các tỉnh các vùng, quảng cáo sự tiện lợi của ô tô trên tivi mỗi ngày, tạo ra nhu cầu mua xe cho người dân nước này tăng vọt. Suzuki hiện có thị phần rất lớn ở Ấn Độ.

Mấy lời nhắn nhủ cho các bạn mới khởi nghiệp. Tự xây dựng hệ thống khách mới toanh, rồi biến họ thành khách ruột, khách quen, bạn hàng, mua vì nhu cầu phải mua chứ không vì quan hệ, giúp đỡ, ủng hộ.

Đã chọn làm kinh tế, thì phải có năng lực tạo nhu cầu cho người khác, biến không thành có thì mới gọi là người có tài.

Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Tony Buổi Sáng

Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo