Mình viết bài này với những kinh nghiệm đã trải qua trong suốt quãng thời gian biến động. Là tàu trưởng, là người lèo lái con thuyền, mình không bao giờ được phép mất tinh thần. Nhân viên nhìn vào mình để làm, gia đình nhìn vào mình để tin tưởng. Mình đã vượt qua những mùa Covid như thế nào?
Những luận điểm dưới đây mang góc nhìn cá nhân về những điều mình thật sự trải qua và nhìn thấy, nên các bạn đừng phán xét đúng sai nhé. Có thể áp dụng đúng vào tùy mô hình. Lý do mà mình viết ra những điều này, bởi mình đi thực tế thị trường rất nhiều, suốt 1 năm lang thang mọi nơi, theo dõi các hàng quán với các đặc điểm riêng…
Trước tiên, mình xin phân tích tình hình khi Covid vào mùa:
– Những quán ăn chủ yếu bán cho khách du lịch: Vắng hẳn, những quán này bao chục năm qua đều không quan tâm đến khách địa phương.
– Những quán ăn bán cho khách địa phương:
+ Những quán nổi tiếng với hương vị đặc trưng vẫn đông bàn dù lượng khách có giảm bớt, vì thói quen ăn uống của người dân khu vực khó thay đổi.
+ Những quán không nổi tiếng vẫn duy trì lượng khách tối thiểu.
Các quán ăn bán cho khách địa phương tuy giảm khách ăn tại quán nhưng khách mua về tăng lên.
Lý do:
– Khách hàng khi tiếp nhận thông tin dịch bệnh cũng sẽ có người nghĩ nghiêm trọng, người nghĩ nhẹ vấn đề hơn. Có người sợ không ăn quán, nhưng vẫn có người ăn quán vì đó là thói quen là lối sống của họ.
– Khách dù là đối tượng nào trong 2 đối tượng trên, dù là ăn ở quán hay mua về cũng sẽ ưu tiên trong mùa dịch: chọn quán quen, chọn quán có khả năng sạch sẽ hơn các quán khác, chọn quán có thức ăn nóng đun sôi, chọn quán có món họ thích hợp vị (vì mùa Covid hạn chế ăn ngoài, nên khi chọn ăn ngoài họ sẽ chọn món khiến họ thèm nhất).
Từ đợt dịch thứ 2, mình đã bắt đầu vẽ ra các kịch bản và các phương án giải quyết dựa vào diễn biến của dịch.
Các kịch bản:
+ Nếu cách ly
+ Nếu chỉ cảnh báo nhưng không cách ly
+ Nếu dịch ở nơi khác và chưa vào địa phận tỉnh thành nơi mình sống
Các phương án
+ Nhân sự tối thiểu nên gi
+ Giữ nhân sự và đẩy mạnh món shi
+ Có thời gian trau chuốt chỉn chu sửa cửa hàng
Các kịch bản là do cách nhìn nhận của bạn với sự việc và do tập khách của bạn nữa. Nói đến tập khách, vậy phân tích về thu nhập của họ chút nha. Ai cũng kêu Covid đói kém, nhưng có thật tất cả đều đói kém không? Tiền không mất đi mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người kia. Khách không mất đi mà khách chỉ chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác, hoặc chuyển dịch cách mua hàng này sang cách mua hàng khác. Những người giàu họ vẫn giàu dù kiếm ít hơn, và quan trọng là thói quen chi tiêu của họ khó thay đổi. Phân tích sâu hơn về tâm sinh lý và insight mong muốn được trải nghiệm của người quen chi tiêu mạnh tay mà xem.
Trong mùa dịch, mình sẽ chia khách làm 2 giai đoạn: giai đoạn trong dịch và giai đoạn sau dịch. Từ đó bạn phân tích đánh giá đưa ra các kịch bản thu hút bán hàng tùy tập khách bạn hướng tới. Mình nói những điều này bởi mình đã trải qua rồi, lèo lái con thuyền giữa bão, bình tĩnh đừng nao núng. Những tháng có dịch thì lẩu ship bên mình gấp đôi, doanh thu bằng doanh thu tháng thường chứ không giảm.\
Các chủ quán chắc mệt nhất là kiểu nửa cách ly nửa không cách ly. Lúc này tâm lý khách sợ không ra hàng ăn, mà vì không cách ly nên cũng không có cớ xin chủ nhà giảm tiền thuê. Hồi tháng 8 năm ngoái mình trải qua giai đoạn như vậy. Nhưng thực tế khả quan hơn những gì mình nghĩ. Như đã nói bên trên, khách chia làm 2 phần: một phần sợ hẳn, một phần e dè. Trưa thì hầu hết là dân văn phòng nên họ hạn chế ăn hẳn, mình không có khách ăn trưa, nhưng bù lại họ gọi lẩu ship về. Tối thì không còn các gia đình tụ họp nữa do đợt đó họ cũng sợ người già con nhỏ, nhưng thay vào đó là tập khách toàn các thanh niên bạn bè trẻ trung tụ họp, thành ra tối nào cũng vẫn có khách.
Dịch thế này xin chủ nhà giảm tiền nhà như thế nào? Mình gợi ý giúp mọi người thôi nha, mình thì không xin vì doanh thu mình cũng tốt nên mình chủ động trả đủ cho có lộc.
+ Trước tiên hãy hỏi thăm chủ nhà về sức khỏe công việc
+ Sau đó trình bày hoàn cảnh hiện tại
+ Sẽ không xin trực tiếp mà đặt ra các câu hỏi tu từ: Em biết hỏi thế này có thể anh chị khó xử, nhưng em cũng khó khăn quá gần như không thể trụ nổi, anh chị xem xét có thể hỗ trợ em một chút tiền nhà không ạ?
+ Nói ra sự bối rối băn khoăn trong lòng: em rất ngại nói 2 lời, không dám xin xỏ gì nhưng quả thật đến bước cuối rồi em mới đành mở lời…
+ Sau đó deal tiền, để đạt đến mức giảm mà bản thân mong muốn.
Nên nhớ, sản phẩm đặc biệt chính là chìa khóa cho việc tồn tại của thương hiệu trong mùa dịch. Trong thị trường thường ngày, sản phẩm thường bị lu mờ bởi các chiến dịch marketing quảng cáo hào nhoáng. Nhưng giờ khi dịch như cơn bão ập đến thì sản phẩm là trụ cột chống đỡ cho cả cửa hàng. Dịch đến, marketing cũng nghỉ, lúc này branding lên ngôi. Hãy giữ vững tinh thần người chủ quán, để từ đó động viên nhân viên, chứ nếu tất cả cùng ủ rũ thì cái quán chìm trong biển dịch mất…
Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Đoàn Diệu Linh