Sản phẩm tụi mình kinh doanh là kem thủ công, các thức uống khác (đồ nóng, trà chanh, trà sữa, trà đào, trà vải,…) chỉ là phụ, để dặm thêm và gánh chi phí cho quán trong khi chờ kem của tụi mình từng bước tạo lập thương hiệu. Không gian quán cũng chỉ là phần phụ thêm. Vì làm ở Đà Lạt, vùng đất có quá quá nhiều quán cà phê view đẹp với mức độ đầu tư tính bằng tiền (vài) tỉ, nên nếu xác định ban đầu là bán không gian quán (chụp hình checkin sống ảo) thông qua các sản phẩm là nước uống – thì tụi mình chịu thua.
Vậy nên tụi mình quyết định chọn USP là Gelato thủ công, một sản phẩm khá kén khách vì sức mua không bằng trà sữa hay các quán cà phê view đẹp (bạn có thể uống cà phê 7/7 ngày nhưng kem thì không thể). Nhưng vì làm kem khá khoai nên mức độ cạnh tranh ít hơn, nên tới giờ này, sau gần 4 năm hoạt động, thương hiệu Dalato Ice Cream ở Đà Lạt cũng được nhiều người biết tới, đó thật sự là điều may mắn với tụi mình.
Dạo này nhiều anh chị em hay hỏi về việc làm quán. Theo kinh nghiệm của mình, đã có chút kinh nghiệm làm từ nhà hàng – quán beer – quán bar – quán cà phê, thì vấn đề mình quan trọng nhất không phải là vận hành sao cho tốt, quảng cáo như thế nào (vì cái này không khó). Mà là bạn sẽ đối phó với các đối thủ ra sao. Vì khi bạn làm tốt, đi đầu thị trường thì sẽ có kẻ lật đổ. Vì ra sau nên đối thủ sẽ nghiên cứu được điểm yếu của bạn & khai thác vào đó. Và ai cũng có điểm yếu cả nên phải chuẩn bị. Còn chuẩn bị làm sao thì mình chia sẻ một chút về việc làm thương hiệu quán mà mình lõm bõm học được, đó là một trong những cách mình áp dụng để không bị “giang hồ mần thịt”.
1. Kinh doanh phải có USP
Bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, kể cả FnB, phải xác định được USP của mình thì mới có thể đi xa, đi lâu, nếu không có USP mà cố đấm ăn xôi tặc lưỡi làm thì sớm muộn sẽ có người sắm vai “kẻ lật đổ” khi họ tìm được điểm yếu của mình. Với USP mình có thì cứ thẳng tiến thôi.
2. Nguyên tắc người đầu tiên
Hãy là người đi đầu trong phân khúc của bạn chọn, người ta chỉ nhớ tới những cái đầu tiên, duy nhất (tô đậm 4 từ này). Nếu bạn là thứ 2 thì rất khó để bạn lật đổ được người đứng đầu.
3. Nếu không là người đứng đầu?
Hãy cố gắng làm người thứ 2, đừng làm Tuesday hay Wednesday nữa. Lịch sử chỉ ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt thường chỉ là tay đôi: Cocacola – Pepsi, P&G & Unilever, Apple & Samsung, Honda & Yamaha, Roll Royce & Maybach, Boeing & Airbus… Nếu ở vị trí kẻ thứ 3 thì nhạt nhoà lắm.
4. Mỗi thương hiệu chỉ gắn với một điểm đặc biệt duy nhất
Đừng quá tham lam lồng ghép nhiều cái trong một thương hiệu: trà sữa là trà sữa, kem là kem, ăn vặt là ăn vặt, cà phê là cà phê. Một chiếc xe tải chở đủ thứ có thể sẽ không chết, nhưng sẽ không nổi bật lên được. Đó là lý do tại sao tụi mình chỉ quảng cáo kem & kem, dù cho những sản phẩm phụ có doanh thu khá tốt.Chứng minh: nhắc tới Mercedes là sang trọng, nhắc tới BMW là cảm giác lái, nhắc tới Volvo là an toàn. Và nhắc tới Chevrolet là đủ thứ hằm bà lằng – Chevrolet không chết, nhưng để đóng được một hình ảnh riêng biệt thì gần như không thể.
5. Uy tín tạo thương hiệu, thương hiệu tạo danh tiếng
Khi đã có danh tiếng rồi thì mặc sức mà làm ăn. Vấn đề là phải kiên trì, bền chí để chuyển từ uy tín thành danh tiếng (tầm 10 năm).
Nhiều người làm FnB khao khát có chiếc xe mini truck/VAN vì nghĩ là xách xe chạy vòng quanh thành phố, bán theo điểm, theo giờ là ngon ăn nhưng rất rất khoai. Chi phí vận hành cái xe cao nhiều, các bạn hình dung: luôn có 1 tài xế và 1 nhân viên phụ bán. Lương cho tài xế thì rõ ràng không rẻ. Xe chạy quanh thành phố, tiền bán không đủ bù tiền xăng, và nó không giống xe máy mà người ta vẫy bạn rồi bạn tấp vô bán. Đi 4 bánh rồi thì không phải muốn là dừng bán, muốn là tấp vô, ăn biên bản và bị tai nạn luôn. Bạn cũng không phải là cái gì quá kinh khủng để người ta chạy theo tấp vô mua. Nên cái xe chỉ bán lưu động ở những điểm đã định trước thôi, và cái xe chỉ nên là sản phẩm phát sinh từ cái quán.
Mê Quán Group / Thạch Ngọc Hoàng