Thất Bại Khi Mở Quán Ăn

Thất Bại Khi Mở Quán Ăn – Cơ Hội Để Tôi Nhìn Nhận Lại Bản Thân

ADOR Biên tập viên

Vâng, chính nhờ có sự thất bại mà tôi mới có cơ hội nhìn nhận lại bản thân mình. 

Một khi cuộc sống của bạn đang đi lên một cách thuận lợi, thì bạn sẽ bị đắm chìm trong sự thành công đó và khiến bạn quá tự tin vào khả năng của mình. Xuất thân là một Dược sĩ, ra trường chỉ đi làm ở một môi trường, sau đó lập gia đình và hai vợ chồng cùng mở phòng khám riêng. Trong mắt mọi người xung quanh đều nhìn tôi với cặp mắt đầy ngưỡng mộ, vì gia đình hạnh phúc và thành đạt. Tuy để có được sự thành công đó tôi phải cố gắng và trải qua rất nhiều thăng trầm…

>> Chiến Lược Cạnh Tranh Khéo Léo Giúp Quán Cơm Tấm Có Khách

Thất Bại Khi Mở Quán Ăn
Tôi mở quán ăn thất bại vì bản thân quá khắt khe

Do bản tính khá nhạy bén và chịu khó tìm tòi học hỏi, nên ngày đó tôi rất khắt khe và tỏ thái độ ra mặt đối với những nhân viên chậm và không hoàn thành công việc được giao. Chỉ dựa vào một lý do là “Các bạn là người đã được đào tạo, và các bạn đi làm được nhận lương, nên tôi không cho phép các bạn nói không biết hoặc em không làm được”. Nên hầu hết khoảng 20 nhân viên chỉ sợ chứ không nể tôi, trước mặt thì sợ mà làm đúng như lời tôi yêu cầu, còn khi không có mặt tôi thì mọi thứ lại đâu vào đấy, và về mức độ nói sau lưng tôi thì thôi rồi, các bạn ấy còn lập cả một group để bàn tán về tôi ấy chứ… Chỉ số ít các bạn giỏi việc thì thích cách làm việc của tôi, vì tôi thưởng phạt đâu ra đó, tôi sẵn sàng thưởng nóng 1, 2 triệu cho các bạn làm vượt yêu cầu, đặt đồng hồ từ nước ngoài về để tặng cho các bạn làm tốt trong năm. Chính vì cách làm việc “phát xít” của tôi mà nhân viên không chịu nổi, chồng tôi cũng góp ý rất nhiều lần, nhưng tôi không thay đổi vì cho rằng bản thân không làm sai. Từ đó phát sinh nhiều mâu thuẫn, nên tôi quyết định tách ra làm riêng.

Là một người có khẩu vị khá tốt và thích lê la các quán để thưởng thức những món ăn ngon. Tôi chợt nhận ra ở khu vực tôi sinh sống không có một quán ăn nào đáp ứng được về không gian và khẩu vị như tôi mong muốn, vì thế tôi nhanh chóng bắt tay vào mở quán ăn theo phong cách gần gũi, riêng tư và ấm cúng. Thêm một lần khởi nghiệp nữa, mà lần này lại chọn một ngành nghề không chút gì liên quan đến chuyên môn, cũng như không hề có một chút kinh nghiệm thực chiến, tôi làm chỉ vì một lý do là “tôi muốn làm” và vì quá tự tin vào khả năng của mình, vì tôi luôn tâm niệm “không có việc gì không thể, khi mình cố gắng hết sức”. Và thế là một mặt vừa mở quán, mặt khác đăng ký học lớp Khởi Sự Kinh Doanh F&B, học luôn đầu bếp, nhưng do là tấm chiếu mới chưa có va chạm nghề bao giờ, nên những kiến thức học được lúc đó chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

>> Thất Bại Khi Mở Quán Ăn – Cơ Hội Để Tôi Nhìn Nhận Lại Bản Thân

Vật lộn với bao khó khăn khi tự mở quán mà không có kinh nghiệm cũng như không có sự hỗ trợ từ ai, cuối cùng quán của tôi cũng đã ra hình hài sau 5, 6 tháng ròng rã. Quán vừa khai trương được một tuần là phải ngưng, chỉ được bán mang về do đợt dịch đầu năm 2020. Quán đi vào hoạt động mà trong tay tôi không hề có bất cứ một khái niệm hay quy trình gì cả, tất cả đều làm theo sự tưởng tượng của tôi, nên khoảng thời gian đó tôi phải tốn rất nhiều tiền do sự thiếu kinh nghiệm của mình. Vì vị trí khuất trong hẻm nên khách biết đến quán tôi chủ yếu là do bạn bè giới thiệu, rồi người này đồn người kia, cứ thế khách đến và đi. Sau khoảng 6 tháng hoạt động mà quán vẫn không đủ chi phí, tôi bắt đầu hoảng lên mới lân la tìm kiếm những group liên quan ngành ăn uống để học thêm kinh nghiệm, để biết mình sai ở đâu.

Thất Bại Khi Mở Quán Ăn
Nhân sự là vấn đề tôi đau đầu nhất

Tình cờ tôi biết đến Mê Quán, rồi đọc được chia sẻ của Linh, tôi tò mò vào tường của Linh đọc lần lượt hết bài này đến bài khác, càng đọc tôi càng bị cuốn hút, tối đó tôi đọc một mạch đến khi trời sáng. Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu tôi, tôi vô cùng thắc mắc với những gì mà Linh chia sẻ, tại sao chỉ kinh doanh online mà phải nhiều quy trình đến thế? Tại sao chỉ bán mỗi lẩu mà Linh thành công đến thế? Rồi nhìn lại cách mà tôi đang làm, thật sự rối như tơ vò. Nhưng thời điểm đó tôi quá bận rộn vì một mình hầu như phải đảm nhận các vai trò trong quán, từ mua hàng, về lại vô bếp vừa phụ vừa kiểm soát, nhắc nhở các bạn làm, xong lại tiếp khách, kể cả phụ phục vụ, thu ngân, đêm đến lại ngồi tính toán sổ sách, nhập hàng hóa… Nó chiếm hết toàn bộ thời gian một ngày của tôi, khiến tôi không còn thời gian để nghiên cứu thêm về những gì Linh viết. Tôi chỉ biết rằng mình đang lạc lối, và phải thay đổi, nếu không tôi sẽ chết. Đợt dịch lần thứ 4 này, cũng là lần nặng nề nhất, các quán buộc phải đóng cửa, nhưng với tôi lại là cơ hội để tôi có thể học hỏi và áp dụng để sửa sai.

Trước đây tuyển nhân viên đầu vào thì dựa vào quen biết, do sợ không có người làm mà nhận tất cả, không hề có một tiêu chuẩn gì cả, vào làm thì người vô trước chỉ người vô sau, tôi để cho các bạn tự đào tạo nhau mà không hề có một quy trình gì cả. Vấn đề nhân sự là vấn đề nổi cộm làm tôi phải đau đầu suốt trong thời gian khi quán hoạt động đến giờ. Do khó tìm được nhân viên, nên khi có được một vài bạn làm được việc là tôi lại nuông chiều, các bạn sai không dám phạt vì sợ các bạn giận nghỉ việc, sau một thời gian các bạn ấy làm việc theo ý mình chứ không thông qua tôi nữa…

Tôi chưa bao giờ nghĩ tuyển nhân viên phải ngồi vẽ ra về đối tượng mình sắp tuyển vào, về hoàn cảnh sống của nhân viên, về gia đình họ, còn cả về khung phẩm chất và khung năng lực, tất cả đều phải lập ra cho mỗi nhân viên ở một vị trí cần tuyển vào. Chỉ khi đầu vào được lựa chọn kỹ các bạn có khả năng đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí, khi vô làm lại được cầm tay chỉ việc theo một quy trình rõ ràng, sau thời gian được học việc, nếu các bạn không đủ khả năng để hoàn thành công việc thì sẵn sàng loại khỏi cuộc chơi, chứ không vì bất kỳ lý do nào mà để “một con sâu làm rầu nồi canh” để lại u nhọt cho cả một tập thể. Tôi hiểu ra rằng muốn có được một đội ngũ nhân sự vững mạnh, không có cách nào khác ngoài việc PHẢI ĐÀO TẠO, phải “tẩy não và nhồi sọ” phải để cho nhân viên hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người chủ, những mong muốn, khát khao, tình yêu của người chủ đối với món ăn, đối với khách hàng. Chỉ khi nào nhân viên thấu hiểu những điều đó, ăn sâu những văn hóa đó vào máu thịt, và biến nó thành hành động thì người chủ mới thật sự được giải phóng khỏi công việc và coi như là đã thành công.

Nguồn: Mê Quán – Đặng Thảo Nguyên

Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo