QUẢN LÝ QUÁN CÀ PHÊ

TUYỂN QUẢN LÝ QUÁN CÀ PHÊ, NHÀ HÀNG ĐỂ LÀM GÌ?

ADOR Biên tập viên

Người quản lý luôn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành một doanh nghiệp F&B. Vị trí này có thể được đảm nhiệm bởi chính chủ đầu tư hoặc được thuê ngoài. Trong cả hai trường hợp, công việc của một quản lý nhà hàng/quán cafe đều sẽ bao gồm một số đầu việc giống nhau.

1. Quản lý nhân sự

Một trong những công việc quan trọng và cơ bản nhất của quản lý nhà hàng/quán ăn là quản lý con người, mà cụ thể là quản lý nhân viên ở nhiều vị trí khác nhau như phục vụ, nhân viên quầy bar, lễ tân,… Quản lý nhân sự bao gồm cả phỏng vấn ứng viên, đào tạo, đánh giá hiệu suất, khen thưởng, bổ nhiệm,… Quá trình phỏng vấn, đánh giá hiệu suất và kỷ luật nhân viên có thể chiếm phần lớn thời gian làm việc của quản lý.

QUẢN LÝ QUÁN CÀ PHÊ

2. Kiểm soát hàng tồn kho

Đặt hàng, kiểm tra và giám sát hàng hóa cũng là một công việc mà quản lý phải thành thạo. Các mặt hàng thường xuyên được sử dụng như ly, bát, đũa, muỗng; các dụng cụ vệ sinh như khăn giấy, nước rửa tay và các trang thiết bị. Mặt hàng như rượu bia đã có nhân viên pha chế lo liệu, thực phẩm thì có bếp trưởng đảm nhiệm. Tuy nhiên, tất cả đơn đặt hàng đều phải thông qua quản lý tổng.

3. Sắp xếp lịch làm việc

Quản lý có trách nhiệm xếp lịch làm việc hàng tuần cho nhân viên và đảm bảo nhân sự được phân bổ hợp lý. Họ phải phê duyệt đơn xin nghỉ phép và quyết định thành viên nào sẽ đứng ở ca nào – lúc đông hoặc vắng khách.

4. Tổ chức sự kiện

Thông thường chủ quán là người sắp xếp, lập kế hoạch cho các sự kiện, các chương trình Marketing của quán và sau đó giao cho cấp dưới thực hiện. Tuy nhiên, đối với những cơ sở có quy mô lớn hoặc chuỗi nhiều nhà hàng thì các chủ đầu tư sẽ thuê một người quản lý để thay họ đảm nhiệm công việc đó.

5. Dịch vụ khách hàng

Điểm khác biệt giữa một quản lý bình thường và một quản lý giỏi chính là khả năng chăm sóc khách hàng. Họ cần huấn luyện nhân viên cách làm hài lòng các “thượng đế” từ lúc bước vào cho đến khi rời đi. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng nhưng đôi khi do bận rộn, các quản lý thường không để tâm đến công đoạn này.

QUẢN LÝ QUÁN CÀ PHÊ

6. Marketing và quảng cáo

Tùy thuộc vào năng lực, người quản lý cũng có thể đảm nhiệm các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị được hay không. Họ chính là người giám sát ngân sách, triển khai kế hoạch và chăm sóc các kênh mạng xã hội của quán, chẳng hạn như Facebook, Instagram. Đồng thời, họ cũng có thể là người đề xuất các ý tưởng, chương trình quảng cáo sáng tạo dành riêng cho quán.

7. Sổ sách kế toán

Thông thường công việc này sẽ do kế toán phụ trách, nhưng người quản lý vẫn là người tiến hành đánh giá công việc hàng ngày và đảm bảo rằng doanh thu được ghi chép và bàn giao cẩn thận. Hơn nữa, sổ sách kế toán đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nên thêm một người để cùng theo dõi và đối chiếu sổ sách là một việc cần thiết.

Nguồn: Fnb Vietnam

Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo