KINH DOANH F&B

TIPS NHỎ VỀ TRUYỀN THÔNG TRONG KINH DOANH F&B

ADOR Biên tập viên

Lúc mình bán quán đồ ăn vặt theo một hình thức rất mới, duy nhất quán mình bán tại thời điểm đó, thì ôi thôi đang cong đuôi làm cũng phải lau tay vào váy chạy ra trả lời phỏng vấn, từ báo giấy tuổi teen, đài tiếng nói, kênh nọ kênh kia… Tất cả mọi người đều nghĩ là mua bài, nhưng không, mình thật không mất xu nào! Báo chí cũng cần thông tin mà, nên họ tự đến đưa tin. Nhưng cũng từ lúc đó, mình ngấm đòn của truyền thông và sợ hãi đến giờ. Đó như con dao hai lưỡi vậy – lý do mình nói ở dưới nha.

Giờ bán hàng online nhưng hàng ngày phải nghĩ content bán hàng. Rồi sở thích của mình là lượn lờ hóng hớt các case xử lý khủng hoảng của các quán, các case xây dựng tên tuổi từ zero to hero… Cái này chắc do mình có căn Conan nữa nên mình theo thuyết âm mưu, luôn tìm hiểu xem có âm mưu nào ẩn đằng sau các bài báo không, khổ tâm thật sự.

Sau đây là một vài kinh nghiệm nhỏ về cách đối mặt và ứng xử với truyền thông của bản thân mình đúc kết được sau những năm tháng bán hàng và tàu ngầm hóng hớt. Hi vọng được cả nhà vào bổ sung chia sẻ để mình học hỏi thêm nha vì mình rất thích chủ đề này.

1. Truyền thông cần nhanh và mới. Vì vậy bạn muốn được chú ý một cách “free”, bạn cần phải mới – độc – lạ. Không nhất thiết phải là một thứ mới toanh chưa ai từng biết đến (như mì cay hay trà sữa kem mặn…), mà nếu bạn chỉ có các món truyền thống thì hãy cố làm mới một điểm nào đó của nó. Nôm na “bình mới rượu cũ” ý. Giống như Linh, ăn lẩu thì có từ xưa rồi, nhưng mặc đầm xoè ngồi trong không gian lộng lẫy ăn lẩu thì nó mới nè. Hay trà chanh có từ năm nảo năm nao rồi, giờ cho vào cái cốc khổng lồ là tự dưng hot “Trà quất cá dẻo ly khổng lồ”. Mình đang tính mấy nữa lấy nem lụi cuốn kimbap cho lạ đây.

2. Truyền thông chú ý đến bạn free, nhưng bạn phải kiểm soát nó bằng tiền. Ngày đó mình được quảng cáo free nhiều quá và điều đó thực sự trở thành con dao 2 lưỡi. Tưởng tượng mà xem khi cửa hàng mới mở mới vận hành được 1 tuần, nhân viên còn chưa quen việc đừng nói xây dựng quy trình với bộ máy. Đùng cái, khách tăng từ 100 lên 500 người/ngày thì đỡ làm sao kịp.

– Tâm lý khách thì thấy mới nên đi ăn thử cho biết, không ưng sẽ ăn phốt ngay, không có cơ hội sửa sai.
– Truyền thông free nên lúc có vấn đề cần thay đổi về giá cả, menu, giờ mở cửa… thì không liên lạc để sửa thông tin được.
– Vậy nên đừng tiếc tiền chạy truyền thông để có thể lên kế hoạch cụ thể rõ ràng cho nó và kiểm soát được mọi vấn đề liên quan.

3. Trước khi chạy truyền thông một cái gì đó bạn cần kiểm soát tốt tất cả mọi thứ: nhân sự, chất lượng sản phẩm, quy mô vận hành đến đâu. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Ví dụ như một hàng bò nầm được quảng cáo là ngon. Khi đến ăn lần đầu nếu thật sự ngon khách sẽ quay lại. Còn nếu không ngon như quảng cáo mà còn tệ thì tất cả những bài quảng cáo sau của quán bạn khách sẽ kéo vào bóc phốt ngay và sẽ không bao giờ thắng lớn được như lần đầu.

4. Nhưng nếu chất lượng không quá tệ, mà dừng ở mức có người khen người chê thì đừng lo lắng quá, cứ kệ thôi. Cái khách hàng KHÔNG THỂ THA THỨ được là ở thái độ phục vụ, thái độ xử lý khi bị bóc phốt, rồi đến chất lượng vệ sinh, sau nữa mới là khẩu vị. Đọc nhiều vụ phốt quán ăn nọ kia, ban đầu mình thấy ngạc nhiên lắm lắm ấy, với sự “trẻ trâu” của các vị quản lý/chủ quán. Lẽ ra việc lớn hoá nhỏ, nhỏ hoá không rất nhanh. Nhưng không, các vị xé banh chành ra thành khủng hoảng lớn tốn rất nhiều tiền bạc và uy tín luôn. Rớt sao, khóa page, bê bài đi các hội nhóm rồi lại chạy theo xin gỡ bài… À ban đầu ngạc nhiên thế, xong sau mình lại mỉm cười, chẳng phải mình cũng từng trẻ trâu như thế sao.

Cái nguyên tắc đơn giản: Chê khẩu vị thì kệ (thực ra là cám ơn – xem lại – vấn đề không ở phía mình thì mới kệ). Chê thái độ thì xin lỗi – xin lỗi – và xin lỗi. Nghe thì đơn giản nhưng không phải ai mới ra kinh doanh cũng làm được đâu.

5. Tự bảo vệ mình trước truyền thông. Ngày xưa mình bị đặt điều bôi xấu nhiều lắm, nhiều người ác ý thật sự, chưa từng đến quán ăn nhưng được đối thủ “nhờ” cũng sẵn sàng nói xấu về người họ chưa từng gặp (bảo nhân viên thái độ), chê những món họ chưa từng ăn. Hồi đó mình uất ức lắm. Cả chủ cả nhân viên làm hùng hục từ 6h sáng đến 10h đêm, 3h chiều ăn cơm trưa là bình thường, mà nhận về những điều bịa đặt uất phát khóc.

Giờ mình mới đúc kết lại, là để bảo vệ mình thì cần làm tốt mục số 3, giữ vững tâm thế trước điều số 4. Ngoài ra thì camera, lưu mẫu ăn thử của ngày hôm đó, thông tin khách hàng đặt chỗ đặt bàn… thực sự rất hữu ích.

Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Nguyễn Phương Mai

Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo