Thật ra ban đầu mình định viết về nghề bếp luôn nhưng mà công việc của mình thì có hơi đặc thù hơn tại vì mình làm bếp trong quán của chính mình nên sẽ có nhiều vấn đề khác so với các bạn chỉ làm bếp chuyên nghiệp hen.
Nói về lý do khiến mình chọn công việc này đi:
Đầu tiên đương nhiên là vì yêu thích rồi. Hồi xưa mình mở quán vốn không hề nghĩ sẽ nhiều thử thách và vất vả để duy trì đâu. Vì cứ nghĩ là sẽ thuê nhân viên dễ thôi hà, hoặc tự làm thì làm nhẹ nhàng thôi là được. Nhưng mà dấn thân rồi mới biết việc làm chủ quán, dù là quán nhỏ xíu xiu thì cũng không có dễ hay nhẹ nhàng được đâu, nhất là khi mình không có nhiều tiền.
Lúc được làm điều mình muốn thì thấy vui lắm. Kiểu có những thứ chỉ có tưởng tượng thôi chứ không nghĩ là mình sẽ nấu được làm được, đến khi cố để làm ra được sản phẩm thì thấy hạnh phúc và tự hào lắm.
Điểm khiến mình thích ở công việc của mình:
1. Vì tự làm chủ nên mình hầu như có thể tự quyết hết mọi thứ từ giờ giấc làm việc, các món trong menu, hay việc sử dụng nguyên liệu phóng tay hơn, xịn hơn so với đi làm cho chủ và chỉ sử dụng những thứ mà chủ cung cấp cho.
2. Có cơ hội được gặp và trò chuyện với rất là nhiều khách hàng thú vị và dễ thương.
3. Được tiếp xúc với vô vàn loại nguyên vật liệu hiếm, quý và rất ngon nữa.
4. Được mở mang tầm mắt của bản thân về ngành ẩm thực khi mà mình có những cơ hội để tiếp xúc với các công ty cung ứng nguyên liệu, máy móc lớn.
5. Được hạnh phúc vì được nấu thứ mình thích, và còn có thu nhập từ việc đó nữa.
6. Được viết về thứ mình thích và chia sẻ với mọi người (vì mình tự làm content cho mình luôn).
Những điều gì khiến làm bếp thực ra rất mệt, tự làm chủ lại càng phức tạp:
1. Đau lưng, đầu gối, gót chân, và bàn chân bị phù do đứng quá nhiều với tư thế sai trong thời gian dài (đây hầu như là bệnh chung của đầu bếp luôn).
2. Dễ cáu gắt do làm việc trong môi trường nóng và áp lực cao (áp lực ra món nhanh khi quán đông khách).
3. Thời gian nghỉ ngơi rất ít: nếu mà đầu bếp bình thường 10h tối hết ca rồi về nhà tắm rửa này nọ 12h ngủ thì khi làm chủ mình sẽ phải ngồi cộng sổ, kiểm tra nguyên liệu để order, kiểm tra đặt bàn để sắp xếp đặt bàn, tính toán xem hao phí nguyên liệu là bao nhiêu…
4. Thỉnh thoảng sẽ phải gặp, tiếp xúc những khách rất là khiến mình ức chế. Thường đầu bếp không phải gặp cảnh này mà là mấy bạn phục vụ, nhưng vì quán nhỏ mà mình tự làm hết nên nhiều lúc ấm ức không kịp xả luôn và vẫn tiếp tục vô bếp nấu. Dần dần có khi bị ghét tiếp xúc với người khác luôn.
5. Vị giác bị ảnh hưởng: khi quá mệt do cơ thể thiếu nước (đứng bếp nóng mà lại hay quên uống nước), đầu bếp có xu hướng nêm nếm mặn hơnnhạt hơn so với bình thường (tuỳ là người đó có vấn đề thế nào về thận). Sau này mình khắc phục bằng cách mọi thứ đều cân hết để hương vị không bị ảnh hưởng do sức khoẻ của mình.
6. Thói quen sinh hoạt khó lành mạnh: khó được ăn cơm đúng giờ hoặc ngồi ăn chậm rãi, tử tế. Giờ làm việc toàn trúng ngay giờ cơm, nên hầu như ăn trưa lúc 14h và ăn tối có khi 23h.
Vậy, làm sao để tiếp tục duy trì và yêu thích công việc của mình sau 6 năm?
1. Luôn nghĩ mọi việc theo hướng tích cực, lạc quan: không quá bận tâm đến những điều khiến mình không vui.
2. Tập ghi nhớ mọi thứ để không phạm sai lầm khi giao tiếp với khách, luôn làm rõ vấn đề với khách để không mắc sai phạm nhiều lần. Vì việc một người làm nhiều chức năng một lúc nên rất dễ quên trước quên sau nên luôn phải tập note lại mọi thứ.
3. Phải cố ăn uống, uống thuốc đầy đủ để có sức khỏe làm việc tốt hơn.
4. Học cách nghỉ ngơi khi bản thân quá mệt: trước kia mình hầu như không dám nghỉ, nhưng sau này mình nhận ra khi mình cứ cố chạy một cái máy quá nóng thì mọi thứ dễ chậm lại và sai lầm còn nhiều hơn, nên mình sẽ nghỉ khi nào bản thân thấy không ổn, và chỉ quay lại khi thấy mình đã thu xếp ổn thỏa với chính mình.
5. Phải học cách chia sẻ công việc: đây là thứ đến giờ mình vẫn luôn cố gắng, vì để tìm được một người đồng hành trong bếp cùng chí hướng, cùng kỹ thuật không dễ tí nào.
6. À, sau mấy năm làm quán thì mình còn nhận ra chụp hình đẹp rất là quan trọng nữa, từ hồi mình quan tâm tới kỹ năng chụp hình hơn thì kinh doanh của quán cũng tốt hơn rất là nhiều.
Thật ra, làm gì cũng cần phải nỗ lực hết, nhưng mà cái loại công việc vừa nhiều việc tay chân lại còn thêm việc trí não thì đôi khi nó cũng khiến mình dễ “gãy” lắm. Lời khuyên của mình là lúc đầu làm nhỏ thì có thể cố gắng với 1 – 3 người. Nhưng về sau thì cũng nên học cách san sẻ bớt công việc hoặc tự bớt việc và đơn giản hoá mọi thứ lại để bản thân bớt mệt nhọc và áp lực.
Ngành bếp bào sức nhanh nên cũng cần để dành một khoản để lỡ có gì thì có thể nghỉ ngơi/chăm sóc bản thân hoặc chuyển nghề.
Quán mình nhỏ nên điều mình chia sẻ nó cũng nhỏ xíu vậy thôi, mong mọi người đọc thấy vui và thú vị hen.
Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Phương Thảo