Rất nhiều bạn lúng túng không biết mở một cái quán cần phải có các giấy tờ gì. Nhiều bạn nghĩ đơn giản chỉ cần Giấy phép kinh doanh là đủ (thậm chí có bạn còn không có cả GPKD). Đến khi bị kiểm tra mới thấy mình thiếu đủ thứ, bị phạt nặng mới thấy: “Cuộc sống này không phải của riêng mình mà muốn làm gì thì làm.”
Để giúp các bạn mới vào nghề, mình xin liệt kê một số giấy tờ cơ bản (có địa phương còn yêu cầu nhiều hơn).
1. Giấy phép xây dựng
Nếu quán bạn xây hoành tráng thì phải có, còn nếu chỉ là tiền chế thì không cần. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên hỏi Đô thị phường/xã là công trình của bạn cần GPXD không, tránh tình trạng đang làm bị đình chỉ hoặc phạt (lên đến 20 triệu).
Lưu ý 1: Nếu nhà bạn có sẵn chỉ decor, trang trí lại thì không cần GPXD, đô thị mà hành bạn thì bạn có thể trình bày là sửa nội thất chứ không phải xây dựng mới.
Lưu ý 2: Đặc biệt đối với các thành phố lớn thì cần chú trọng khâu GPXD, cải tạo, tránh tình trạng xây giữa chừng bị buộc tháo dỡ (nhiều người đã bị rồi đấy).
2. Giấy phép kinh doanh
Trường hợp bạn đăng ký hộ kinh doanh thì phải có GPKD. Bạn đăng ký ở phòng Tài chính quận/huyện (có địa phương phân cấp cho cấp phường/xã). Khi làm GPKD, bạn chỉ nên đăng ký vốn là dưới 100 triệu (dù quán bạn hoành tráng) để sau này áp thuế nhẹ hơn.
Nếu bạn lập và quản lý theo mô hình công ty thì khai báo vốn điều lệ theo số thật để sau này khấu hao tài sản cố định vào thuế.
3. Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Đây là giấy phép rất quan trọng, bạn cần phải làm ngay sau khi khai trương. Lỡ trường hợp khách ăn uống ở quán bán bị đau bụng (hoặc nghiêm trọng hơn là ngộ độc thực phẩm) mà bạn không có giấy này thì xác định toang.
Để có giấy phép VSATTP, bạn lên phòng Y tế quận/huyện để họ hướng dẫn. Thường là phải đi học một khoá và họ sẽ kiểm tra trước khi cấp giấy (nhớ phong bì nhé bạn).
4. Kê khai thuế
Bạn phải kê khai thuế với Đội thuế phường để họ áp thuế (trường hợp công ty thì thuế theo Luật Thuế, phải có kế toán chuyên nghiệp, làm việc với Chi cục Thuế cấp huyện).
Cách Đội thuế áp thuế là dựa vào Giấy phép kinh doanh của bạn (nếu đăng ký cao họ sẽ áp thuế cao) + kiểm tra doanh thu thực tế.
Đối với các quán đông khách + lâu năm thì thường thuế sẽ rất cao (như bản thân mình có những quán thuế lên đến 30 triệu/tháng). Khi đó bạn phải chọn: hoặc là chấp nhận thuế cao, hoặc là xoá bàn làm lại (nghĩa là đóng quán một thời gian, đổi GPKD sang người khác). Cái này tế nhị không dám chia sẻ sâu.
5. Giấy phép bán thuốc lá, rượu bia
Nếu quán bạn có bán thuốc lá và bia rượu thì phải có giấy phép do Chi cục Quản lý thị trường cấp.
Về thuốc lá bạn chỉ nên bán các loại thuốc lá sản xuất trong nước, đừng nên bán thuốc lá lậu, lỡ bị kiểm tra mệt lắm. Tương tự đối với bia rượu, tuyệt đối không bán loại không rõ nguồn gốc.
6. Hợp đồng lao động
Dù là bạn tuyển nhân viên thời vụ thì cũng nên có Hợp đồng lao động. Khi chính quyền kiểm tra họ sẽ yêu cầu cái này.
Lưu ý trong HĐLĐ phải ghi rõ làm việc part-time (nếu bạn không đóng BHXH cho nhân viên). Nếu không rõ họ hỏi BHXH đâu là bạn mệt. Thời gian làm việc trong HĐLĐ là dưới 8h/ngày và dưới 26 ngày/tháng nhé bạn.
7. Giấy phép sử dụng vỉa hè (nếu địa phương có chủ trương cho thuê vỉa hè)
Khi quán bạn mà chủ yếu sử dụng vỉa hè (để xe hoặc bàn ghế) thì bạn nên liên hệ với phường/xã về vấn đề sử dụng vỉa hè. Có thể hợp pháp (bằng việc thuê) hoặc phi hợp pháp (bằng mối quan hệ).
8. Các mối quan hệ nên ưu tiên
– Công an khu vực
– Đô thị phường/xã
– Tổ trưởng dân phố
– Hàng xóm (nhất là hàng xóm có người cao tuổi không thích ồn ào).
– Lãnh đạo địa phương (nếu quán bạn có quy mô lớn)
Đối với các mối quan hệ thì mình chỉ khuyên bạn 1 câu: “Biết – nhiều – không – bằng – biết – điều.” Nhớ giúp mình câu thần chú này. Đừng có cãi lý, cãi luật nhé.
Sự chuẩn bị đầy đủ pháp lý và các mối quan hệ sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi kinh doanh. Còn không, bạn đừng ngạc nhiên nếu tự nhiên thấy sao nhiều người quan tâm đến quán mình quá vậy.
Nguồn: Nghia Binh