Thật sự là khi mới bắt đầu, kiến thức về Marketing của mình là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng mình biết là mình có một sản phẩm rất tốt, độc đáo, khác biệt, có một tệp khách hàng cũ và một câu chuyện về sản phẩm đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển.
Thật sự mình không biết bắt đầu từ đâu cả, nhưng vốn là kiến trúc sư thì mình có thể làm điều tốt nhất để Marketing hình ảnh cho thương hiệu. Mình bắt đầu nghiên cứu sản phẩm, cách làm và lắng nghe những câu chuyện của bà Toàn. Đó là một người phụ nữ Hà Nội điển hình, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm phở nổi tiếng. Ngày đó, quán phở bán phải đến 200kg/ngày, bà là người thông minh nhanh nhạy, nấu ăn ngon nhất nhà.
Rồi ngày bà lập gia đình, con cái với những khó khăn cơm áo gạo tiền, bà quyết định trở lại nghề bán hàng ăn, khi đó cụ bà nhất quyết không cho bà bán phở vì sợ cạnh tranh, nên bà đã sáng tạo ra món bún sườn móng mọc, măng khô riêng của mình. Thời gian đầu rất khó khăn, buôn thúng bán mẹt, di chuyển khắp nơi quanh con phố Đỗ Hành, xong rồi ổn định thuê được cái cửa hàng bé tí hin 6m2 ở 89 Nguyễn Du. Khách đến rất đông, tầm 9h sáng ra là không còn nữa, quán bé tí mà ngày nào cũng sòn sòn 50kg bún. Bà là người rất tâm huyết với bát bún của mình, cầu kì, kỹ tính và rất biết chiều khách hàng, khách quen đến không cần nói gì bà đọc vanh vách sở thích và thói quen và chuẩn bị sẵn bát bún ưng ý… câu chuyện còn rất dài.
Sau khi cảm nhận câu chuyện và sản phẩm mình bắt tay vào thiết kế. Mình chọn tông màu cơ bản, trắng, đỏ và ghi đen vì nghiên cứu những màu đó có kích thích vị giác. Trong quán mình treo những bức tranh đen trắng về Hà Nội xưa, cảnh người buôn gánh bán bưng, cảnh quán trà đá vỉa hè, phố xá, con người Hà Nội thật bình dị thân quen. Và quán mình còn có âm thanh, đó là những bản nhạc không lời về Hà Nội.
Về hệ thống quầy chế biến mình nghiên cứu sao cho dễ làm và sạch sẽ nhất, đầu tư ốp bằng gạch bông cổ. Có một chi tiết nhỏ nhưng mình thấy hiệu ứng Marketing rất tốt đó là treo một bức ảnh bà Toàn và vợ mình, rất nhiều người thấy bức ảnh đó mà vào ăn.
Về mặt không gian quán mình rất đầu tư, toàn bộ sàn nhà mình lát lại bằng gạch chống trơn màu đen vì nó sạch hơn là dùng màu sáng và nếu có dầu mỡ ra sàn sẽ hạn chế sự cố, người phục vụ sẽ đi nhanh hơn. Toàn bộ hệ thống bàn mình dùng bằng đá đen, tuy chi phí cao nhưng nhìn xịn sò hơn, lau dễ sạch và không bị ngấm dầu mỡ như gỗ. Hệ thống ghế mình dùng ghế sắt bền và cứng cáp hơn nhiều tạo cảm giác chắc chắn cho người ngồi và tuyệt đối mình không dùng ghế có lưng tựa vì mô hình của mình quán rất đông sẽ vướng víu và khách ngồi trong một thời gian ngắn ăn xong đi luôn, tính ra với số lượng bát trung bình 250 bát/ngày thì một vị trí ngồi của mình quay vòng 10 lần rồi.
Tất cả ý tưởng thiết kế của mình là xuyên suốt câu chuyện thương hiệu Tiệm bún sườn mọc bà Toàn và đóng vai trò là người vận hành sao cho tốt nhất, người khách hàng được phục vụ tốt nhất và hợp lý nhất, mình cũng hết sức tiết kiệm vì không có nhiều tiền và cái gì cần phải làm tốt mình vẫn sẽ làm.
Rồi khi tiệm đã đi vào hoạt động thì mình cũng chả biết làm gì tiếp theo để Marketing. Lúc này, VOV là một chương trình ẩm thực trên TV đến và muốn được quay, mình ok luôn, được cái video xong mình cũng cất đó chả biết phải làm gì tiếp theo. Sau một thời gian mình học Marketing FB thì lôi ra để viết bài quảng cáo thì thật sự kinh ngạc về hiệu quả của nó, chi phí cho một tương tác là 20 đồng, và mình biết rằng mình đã đi đúng hướng.
Sau đó một thời gian, mình bảo vợ hay là viết một bài báo về quán, thế là liên hệ Kênh 14 và mình đưa ý tưởng để họ viết theo chiến lược dài hạn của mình, tuy chưa thể đo lường được hiệu quả của nó thế nào, nhưng khá nhiều khách đến ăn kể là do đọc bài đó.
Sau khi học xong Marketing FB thì các bài của mình trên đó đều định hướng rõ ràng, đó là một món quà sáng tuổi thơ, đó là tiệm ăn của 3 thế hệ, đó là món ăn sáng đặc biệt của ẩm thực Hà Nội, của con người Hà Nội. Và mình cũng là người Hà Nội gốc, tất cả những điều đó mình không bốc phét, đó là sự thật, đó là những câu chuyện khách quen đến quán kể lại, từ cậu bé được bố dẫn đến ăn sáng trở thành một ký ức tuổi thơ và khi trưởng thành luôn tìm đến tiệm để ăn, hay những tiếc nuối của bao nhiêu khách quen khi bà nghỉ bán 1 năm.
Marketing thương hiệu là một chuyến đi dài hơi và bạn chưa chắc đã cảm nhận được ngay hiệu quả của nó giống như Marketing thương mại, các bài quảng cáo, khuyến mại rồi review… khiến cho khách đông lập tức ngay xong vài ngày trôi qua lại trở về bình thường và chúng ta cứ mãi chạy đuổi như thế với các chương trình khuyến mãi, quảng cáo, khách chỉ đến với chúng ta khi có chương trình.
Tiệm bún bà Toàn thực tế bán online rất ít, nhưng khi dịch Covid xảy ra mình mới thật sự cảm nhận được giá trị của việc Marketing thương hiệu mà mình theo đuổi. Khi đi ăn mình rất hay hỏi các quán khác tính hình kinh doanh thế nào, nơi thì giảm 50%, thậm chí 80%, và bán không đủ tiền trả nhân viên chỉ mong cầm cự qua ngày. Đối với Tiệm bún bà Toàn, thì toàn khách quen, Covid xảy ra và cũng bị sụt giảm 10% lượng khách, đối với thời điểm như vậy, mình thấy đó là một thành công lớn rồi.
Với tư duy về Marketing thương hiệu thì mình luôn cải tiến món ăn của mình, luôn luôn hỏi khách cái gì chưa được và không được. Đó là tư duy kinh doanh bền vững, mình rất ghét làm ăn chụp giật, bạn nào mà đến ăn tự dưng thấy có ông nào ra hỏi han khách thì đích thị là mình và hàng ngày mình vẫn ăn ít nhất là một bát bún, nếu có vấn đề gì cảm thấy không ngon thì mình luôn có ý kiến với mẹ và vợ mình.
Hy vọng bài viết này giúp các bạn hiểu rõ hơn thế nào là Marketing thương hiệu và Marketing thương mại (đổ tiền quảng cáo, chương trình khuyến mãi để thu hút khách). Mình có thể đúc kết theo cách nghĩ của mình về Marketing thương hiệu là :
– Làm hình ảnh bộ nhận diện thương hiệu thật tốt: từ thiết kế quán, menu, đồng phục, và trải nghiệm khách hàng tại quán.
– Chúng ta phải có một câu chuyện để kể về thương hiệu và chiến lược lâu dài cho câu chuyện đó trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí, truyền thông.
– Luôn luôn cải tiến sản phẩm và lắng nghe, trò chuyện với khách hàng.
– Tư duy quan trọng nhất bạn cần phải có khi Marketing thương hiệu là chân thành, chân thật với những câu chuyện của mình và hãy làm ăn một cách bền vững.
Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Phạm Anh Linh