Là chủ của một hệ thống quán cà phê lớn (10 quán), hơn ai hết mình hiểu rõ tình cảnh của hầu hết các chủ quán trong bối cảnh hiện nay. Đó là:
– Tâm trạng chán nản và vô định về công việc của mình.
– Thiếu hụt dòng tiền dẫn đến mất khả năng thanh toán.
– Không có khả năng tái đầu tư trong khi cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp.
– Nhân viên bỏ việc hoặc mất động lực làm việc.
Do đó, việc nhìn nhận và đánh giá đúng về hoàn cảnh hiện tại cũng như tương lai của nghề sẽ giúp chúng ta có những quyết định đúng.
1. Phải xác định rõ: Mọi việc sẽ không bao giờ như trước nữa.
Covid đã thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng của khách hàng. Do đó, những kinh nghiệm cũ, cách làm cũ, lý thuyết cũ sẽ không có giá trị trong tương lai. Những mô hình thành công trước đây sẽ không còn thành công nữa, và sẽ xuất hiện những mô hình thành công mới. Vấn đề phải tìm ra đó là gì? Theo mình, xu thế thị trường mới sẽ rơi vào các phân khúc sau:
– Giá rẻ
– Không gian thoáng đãng, rộng rãi
– Chất lượng sản phẩm độc đáo, đặc trưng.
2. Các mô hình có chi phí hợp lý sẽ dễ tồn tại hơn.
Đã qua rồi thời kỳ mà vị trí đắc địa quyết định sự thành công. Hiện tại, mặt bằng giá càng cao thì khả năng chết càng nhanh.
Mô hình trong ngắn hạn là: Quán nhỏ, chi phí thấp, giá rẻ. Mô hình dài hạn hơn (trong 2 – 3 năm tới) là quán rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ ngăn nắp. Các dạng bán xô bồ, lộn xộn sẽ bị đào thải dần.
Đừng bao giờ ảo tưởng rằng mình sẽ đầu tư để tạo ra cái gì đó khác biệt trong bối cảnh này. Thị trường hiện giờ không cần sự khác biệt mà chỉ cần sự phù hợp: Phù hợp túi tiền + phù hợp tâm trạng sợ dịch bệnh.
3. Bán online.
Ai cũng xem việc bán online là cứu cánh trong bối cảnh này. Nhưng hãy suy nghĩ cho kỹ nhé: Bạn có nên bỏ ra một đống tiền mở một cái quán rồi bán online?
Phải nhận thức được: đa số khách hàng chỉ mua online với các thương hiệu đã có tiếng trên thị trường. Còn với các thương hiệu mới, chỉ bán online được khi bạn có đủ 4 yếu tố: Rẻ + Ngon + Ship nhanh + Quảng cáo nhiều. Hãy nghiêm túc nhìn nhận xem mình làm được điều đó không.
Như vậy, nếu xác định bán online thì bạn không cần mở quán. Nếu đã mở rồi mà muốn đẩy mạnh bán online thì phải chịu khó đầu tư vào thương hiệu (xây dựng hình ảnh + quảng cáo).
Từ các phân tích nêu trên, mình đưa ra một số giải pháp trước mắt như sau:
1. Phân tích lại hiệu quả dự án:
Tính toán chính xác hiệu quả của quán mình. Nếu hiện tại đang bị lỗ trên 10% vốn đầu tư/tháng thì dứt khoát bỏ.
Ví dụ: Quán bạn đầu tư 500 triệu và hiện tại tháng lỗ trên 50 triệu thì bỏ quán.
Nếu hiện tại lỗ dưới 10% thì tuỳ tình hình tài chính của bạn để quyết định.
2. Tiếp tục cắt giảm sâu chi phí:
Thứ tự ưu tiên cắt giảm: Đàm phán mặt bằng – Chi phí điện nước – Chi phí hàng hoá – Nhân sự.
Nhân sự là sự cắt giảm cuối cùng sau khi đã cắt giảm hết các thứ khác mà vẫn lỗ.
3. Giảm giá sản phẩm:
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung thì ai cũng hạn chế chi tiêu cho thói quen ăn uống tại quán. Do đó, khách sẽ ưu tiên cho các quán có giá rẻ (đó cũng là lý do mà các bạn thấy trong mùa dịch các quán cóc, vỉa hè vẫn có lượng khách ổn định).
4. Thực hiện giãn cách:
Giảm bớt số lượng bàn ghế hoặc để bảng “bàn giãn cách” trên các bàn. Không nên khoe quán đông khách trong thời điểm này, rất nhạy cảm, hãy tận hưởng niềm vui đông khách trong âm thầm.
5. Giữ vững tinh thần, không rối, không loạn, không vì khó khăn trước mắt mà làm lụi, làm bậy. Hạn chế mua nhiều thuốc ngủ, thuốc chuột, thuốc trừ sâu để trong quán.
6. Cố giữ chân các nhân viên nòng cốt bằng sự động viên. Quán ế thì dành nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ, chơi đùa cùng với nhân viên.
Cuối cùng, không ai biết dịch khi nào kết thúc, và kể cả khi nó kết thúc rồi thì chưa chắc mọi việc sẽ sớm phục hồi. Cho nên, lời khuyên của mình là:
– Ai chưa bước vào thì cân nhắc thời điểm bước vào.
– Ai chưa lún sâu thì rút ra càng sớm càng tốt.
– Ai lỡ lún sâu rồi (tất cả gia sản nằm trong cái quán) thì cố gắng cầm cự và sống bằng niềm tin: Sau cơn mưa trời lại sáng.
Có điều khi nào hết mưa thì không biết.
Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Nghia Binh