LÀM CHỦ QUÁN

LÀM CHỦ QUÁN, GIAI ĐOẠN NÀO NÊN “BUÔNG BỎ BỚT”?

ADOR Biên tập viên

Mình kinh doanh online cũng 10 năm rồi nhưng khoảng thời gian gần đây bắt đầu mới muốn mở lòng viết bài chia sẻ cộng đồng. Lý do là bởi, từ khi bắt đầu mình luôn chỉ làm theo bản năng, mày mò đủ cách và tìm ra hướng đi, chứ không biết gọi tên những điều mình đã làm một cách bài bản. Bây giờ là lúc, mình nghĩ cần phải tổng hợp kiến thức, cho chính mình và chia sẻ với các bạn, thử xem mình có thể trả lời các câu hỏi của các bạn không, thử xem mình hiểu biết đến đâu rồi, và cũng nhân cơ hội này tìm ra những thiếu sót còn tồn tại để tiếp tục bổ sung. Những bài mình viết khá dài dòng, vì nó là mạch suy nghĩ nên nếu thật sự các bạn có đọc hết thì mình thực sự cảm ơn. Tất cả các bài viết đều được viết trong khoảng 15 đến 30 phút không chỉnh sửa gì, cơ mà phải đợi ăn sáng uống cafe xong có cảm xúc mới viết được hehe.

Hôm trước mình đọc được một bình luận rất hay là: “Ít ông bà chủ nào có thời gian viết bài dài chia sẻ vì còn đầu tắt mặt tối dầu mỡ chuẩn bị đồ”. Mình đồng tình với câu nói này. Nhưng mình xin bổ sung thêm về khoảng thời gian “cần” bận bịu của nghề làm chủ.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, chưa có nhiều doanh thu để thuê nhân viên, chủ quán dĩ nhiên phải ôm hết việc. Nhưng khi bắt đầu có doanh thu rồi, chủ quán nên nghĩ đến việc thuê nhân viên và “buông bỏ bớt”. Để không hiểu sai ý mình, mời các bạn đọc tiếp các ví dụ.

Ví dụ 1: Mình có cậu bạn tên Đ., dốc toàn bộ gia tài 500 triệu để mở quán bia ở địa điểm khá đẹp, điều đầu tiên cậu ấy làm là thuê ngay dàn nhân sự từ đầu bếp cho đến phục vụ, cậu ấy chỉ làm chủ đứng thu tiền. Dĩ nhiên sau 3 tháng không gồng lỗ nổi nữa cậu ấy đóng quán. Vấn đề là cậu ấy chưa từng vào bếp nấu thử, chưa từng thử phục vụ khách, còn không nói đến marketing và các vấn đề khác nha. Vì tiêu chí đầu tiên cho một quán để mà sống được thì phải là Bếp và Phục vụ đã.

Ví dụ 2: Mình có chị bạn khác tên M. Chị ấy mở hàng nướng rất đông khách phố NTH, chị ấy tự tẩm ướp và cũng tự bưng bê phục vụ cùng sự hỗ trợ của gia đình. Quán đông, nhưng ngày mở ngày đóng, vì hôm nào chị ấy bận là không ai đứng bếp, hoặc hôm nào bố mẹ chị ấy ốm là không ai giúp bưng bê. Chị ấy kể với mình, làm nghề vất vả đến đêm, khônt thuê được người vì sợ mất công thức, thuê nhân viên phục vụ thì phải trả cao quá tiếc tiền.

Mình kể những ví dụ trên không có ý định phán xét ai cả, vì bản thân mình thật sự rất cởi mở khi tiếp nhận câu chuyện và mình luôn đồng cảm cảm thông với sự lựa chọn của mỗi người. Đúng, đó là sự lựa chọn. Bài viết này mình xin chia sẻ với những người chủ có chung con đường với mình.

Mình xuất thân từ người chủ phải làm mọi việc, vì vốn ít, có 20 triệu ban đầu mở hàng lẩu online thôi, nhưng sau 3 năm xây dựng được hệ thống lẩu như giờ.

Làm chủ là làm tất cả mọi thứ, từ nghiên cứu thị trường khách hàng, đến công thức món ăn, từ quy trình vận hành đến PR marketing, học hành nâng cao kiến thức liên tục, nhưng tắc cống là phải chạy ra thông đầu tiên, máy móc hỏng cũng phải biết sơ qua để sửa, việc gì khó nhất bẩn nhất thì cứ gọi tên chủ quán. Mình cũng trải qua giai đoạn đầu bù tóc rối, bận bịu dầu mỡ, một mình làm việc bằng 10 nhân viên.

Sau vài tháng, khi bắt đầu có doanh thu, mình nghĩ đến việc bóc tách từng hạng mục đầu việc ra và thuê người. Thuê ít dần rồi lên nhiều dần nha, chứ không phải đùng một cái ôm một hệ thống đâu ạ. Mình làm từ nhỏ đến lớn, nên không bị gặp vấn đề về vốn và tài chính. Theo đúng kiểu có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Vốn chưa đủ thì chỉ mở thế thôi, vốn lớn hơn tí thì mở rộng hơn tí, luôn sẵn dòng tiền mặt để chi trả nguồn cung ứng và nhân sự vận hành. Coi khoản lương cho nhân sự như một khoảng đầu tư, nghĩa là: mình cần bớt lợi nhuận ban đầu + thêm nhân sự để ổn định vận hành, sau đó mình sẽ tập trung lo phát triển thương hiệu để kiếm thêm nhiều lợi nhuận về sau. Chứ nếu tiếc tiền thì mãi dậm chân tại chỗ.

Có những việc rất cần thời gian, hoặc rất cần tiền. Nếu bạn tự xây dựng thương hiệu và quy trình thì bạn cần thời gian để tích tiểu thành đại. Nếu bạn muốn một phát có luôn hệ thống thương hiệu vận hành êm thì bạn phải bỏ tiền ra mua nhượng quyền.

Người chủ quán khi đã đi lên từ con số 0 và đã thành thạo mọi việc, thì thường rất lắm lời và hay soi xét nhân viên. Mình cũng từng như vậy. Sau đó mình nhận ra, cách đó sai rồi, chỉ gây áp lực không thể giúp nhân viên phát triển. Giờ mình dùng cách khác. Mình cung cấp cho nhân viên đủ: công cụ, quy trình, kiến thức – sau đó mình biến đi chỗ khác để nhân viên tự phát huy năng lực cá nhân. Vâng, hóa ra việc “mình biến mất” lại là cách rất hay để nhân viên vào việc nhanh nhất. Hehe dĩ nhiên cách này chỉ áp dụng khi quy trình tuyển đầu vào của bạn đúng thui nha.

Mình “giả vờ biến mất” thôi chứ mình sốt ruột lắm chứ bộ, sợ nó làm mất khách của mình, sợ nó không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng rồi mình phải tự nhủ mình phải “buông bỏ bớt” đi, ôm đồm quá thì làm sao nghĩ những thứ lớn hơn.

Nghĩa là, lúc này chủ quán chuyển giao hạng mục đầu việc cho đội ngũ kế cận, còn chủ quán bắt đầu đi tìm con đường phát triển quán, dành thời gian đọc sách học hỏi… và đi lê la buôn chuyện khắp nơi như mình nè.

Cuối cùng, mình xin chia sẻ những yếu tố của một người chủ quán:

1. Có khả năng xử lý đa nhiệm: việc gì cũng là việc của chủ.

2. Có khả năng chịu rủi ro, biến rủi ro thành cơ hội.

3. Có khả năng lên kế hoạch tài chính cho bản thân mình trước, sau đó là cho quán của mình.

4. Tự chủ tiên phong lãnh đạo, luôn biết mình nên làm gì và tại sao. Nguồn năng lượng xuất phát từ bên trong chính mình.

5. Quản lý xung đột, nhìn nhận mọi việc đa chiều đa góc, ứng biến nhanh nhẹn với mọi tình huống.

Bài viết mang ý kiến chia sẻ cá nhân của mình thui, cảm ơn mọi người đã quan tâm theo dõi.

Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Đoàn Diệu Linh

Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo