LÀM CHỦ QUÁN CÀ PHÊ 2020, ĐỪNG NGHĨ DỄ VÀ NHÀN

ADOR Biên tập viên

Đó chính xác là tư duy và suy nghĩ của rất rất nhiều anh chị muốn mở quán cà phê. Đi ăn hay đi uống gì đó thấy người ta làm đồ uống, đồ ăn cũng chả ngon gì mà khách ra vào liên tục, giá bán thì cao trong khi làm ra phần nước có mấy ngàn chứ nhiêu. Thế là cứ nghĩ buôn bán cà phê là dễ ăn, chỉ cần pha cà phê, thêm đường đá là bán được rồi. Tháng thu tầm 10 triệu bỏ túi vẫn sướng hơn đi làm công cho người ta nhiều. Ít áp lực, được tự do về thời gian, tài chính ổn định, được mang danh là chủ quán… Nhưng sự thật không như mọi người nghĩ.

1. Đồ uống chỉ chiếm 25% thành công

Căn bản quán cà phê bao gồm 3 khâu: Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ. Cái mà mọi người thấy chỉ mới là sản xuất, là làm sao để làm ra 1 ly cà phê thôi. Chưa kể:

– Làm sao để khách hàng vào quán của bạn mà không phải quán đối diện? Làm sao để khách quay lại lần sau?

– Làm sao để nhân viên luôn tươi cười thân thiện với khách, quan tâm khách hàng để có tệp khách hàng trung thành?

– Làm sao để mùa mưa vẫn có nguồn doanh thu ổn đủ cầm cự đợi mùa nắng?

2. ”Mặt bằng sai là sai hết” luôn đúng

Những chủ quán sở hữu mặt bằng đẹp thường có lượng khách rất đều và đạt số lượng ly hòa vốn rất nhanh. Từ đó rảnh đầu óc để mà chăm sóc khách hàng, tối ưu doanh thu, quảng bá hình ảnh… Mặt bằng xấu đồng nghĩa với việc chủ quán mãi loay hoay tìm khách hàng, dự án mở quán cà phê xem như đã thất bại tới 70% rồi.

3. Vừa phục vụ khách vừa “chiều” nhân viên

Tuyển nhân viên làm việc ở thế hệ Z không phải là điều đơn giản. Họ sống không quá thiếu thốn và động lực làm việc không nhiều bằng thế hệ trước. Đa phần ở độ tuổi này họ đi làm để có thêm nguồn thu nhập cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cá nhân thay vì chi trả cuộc sống căn bản. Vì vậy, việc giữ chân nhân viên càng khó, một chút xích mích nhỏ cũng có thể khiến bạn phải mòn mỏi đi tuyển nhân viên và đào tạo pha chế mới.

4. ”Hên xui” khi chọn đơn vị set-up

Trường hợp này ở Việt Nam không hiếm nếu không muốn nói là nhiều. Trăm người mua đến ngàn người bán nên cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Từ việc giảm giá mà chất lượng chăm sóc sau bán hàng cũng giảm đi. Không sai khi nói “Tiền nào của đó”. Chọn đối tác hỗ trợ set-up ban đầu không có tâm, làm qua loa lấy tiền, hư hỏng cần bảo trì thì Thứ 2 gọi đến tận Thứ 7 cũng chưa thấy mặt đâu.

5. Bù lỗ thời gian đầu

Khi quán chưa có lượng khách ổn định thì chi phí vận hành sẽ luôn cao hơn doanh thu, thế là chủ quán phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ. Tài chính mạnh thì đơn giản, nhưng nhiều chủ mở quán ra vừa đủ thở phào nhẹ nhõm thì tiền đâu mà bù lỗ. Thế là phải đi vay mượn xung quanh để tồn tại qua thời điểm khó khăn. Chốt lại, đây không phải là nghề an nhàn, ít áp lực, dễ ăn như những ai chưa có kinh nghiệm nghĩ. Phải tìm hiểu tính toán kỹ nếu không muốn mất một khoảng tiền không đáng phải mất vì thiếu kinh nghiệm.

Nguồn: Mạc Văn Trung

Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo