QUÁN CÀ PHÊ

HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG CỦA MƯA BÃO CHO QUÁN CÀ PHÊ, NHÀ HÀNG

ADOR Biên tập viên
Miền Trung là khu vực năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão và càng ngày cường độ càng mạnh lên. Bình quân một năm có khoảng 15 cơn bão, trong đó từ cơn bão số 7 trở đi thường là các cơn bão lớn.
Việc mở quán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, nếu bạn không có chuẩn bị từ đầu thì việc sau 1 đêm bạn bỗng dưng mất toàn bộ cơ nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bản thân mình đã trải qua cơn bão số 12/2017 tại Nha Trang, sau 1 đêm thổi bay 3 cái quán lớn nhất hệ thống với tổng thiệt hại trên 10 tỷ. Do đó, hơn ai hết mình hiểu rõ mưa bão tàn phá những gì của quán và quán cần phải xây dựng như thế nào để hạn chế tác hại của mưa bão.
1. Những quán nào thường bị tác động của bão?
– Quán có diện tích bạt kéo lớn
– Quán có nhiều cây cối, đặc biệt là cây cổ thụ
– Quán có mái tôn, mái ngói
– Quán dạng đường luồng thông gió từ trước ra sau
– Quán dạng nhà cổ đã lâu năm, vật liệu đã mục nát
– Quán ven biển, ven sông
– Quán nằm ở vùng trũng, ở các con phố có độ ngập cao
– Quán nằm trên các tầng thượng cao tầng
QUÁN CÀ PHÊ2. Những sự cố thường gặp khi mưa bão lớn
– Tốc mái dẫn tới thổi bay toàn bộ đồ đạc trong quán
– Cây ngã, đổ đè sập quán
– Sập dàn bạt kéo dẫn đến đè sập quán
– Ngập nước dẫn đến hư hỏng đồ đạc
– Dột nước dẫn đến sập trần thạch cao
– Chập điện dẫn đến cháy, nổ thậm chi nguy hiểm tính mạng nếu bất cẩn
3. Những lưu ý khi làm quán để hạn chế thiệt hại khi mưa bão
– Đối với các quán có bạt kéo, khi thi công quán, bạn lưu ý đừng ham rẻ. Phải yêu cầu sắt loại tốt, trụ bạt đừng chọn dạng ống nước mà nên làm trụ sắt dạng đan chéo kiên cố. Nên yêu cầu thợ dằn tam giác các góc cua để hạn chế gãy, quặt. Hệ thống dây kéo phải tốt (dù có kéo bằng remote vẫn phải có dây kéo dự phòng). Một hệ thống bạt có thể kéo ra trong vòng 2 – 3 phút là đạt yêu cầu.
Lưu ý: Bạt kéo là thứ dễ làm sập quán bạn nhất trong các hạng mục, đừng tiết kiệm làm đồ rẻ tiền.
– Đối với các quán trồng cây lớn, cây cổ thụ thì phải đảm bảo gốc được trồng sâu ít nhất 2 – 3m. Nhiều thợ chỉ đem nguyên cái nồi gốc cây đặt xuống rồi lấp đất, rất nguy hiểm. Bạn hãy yêu cầu họ đào hố thật sâu để trồng. Đối với các quán có sẵn cây cổ thụ, bạn phải kiểm tra xem thân nó đã mục chưa, nếu mục rồi thì bỏ luôn chứ đừng tiếc, bão đến nó gãy ngay.
– Đối với các quán có mái tôn, khi thi công bạn nên yêu cầu thợ cho hàn luôn các thanh sắt dằn mí tôn từ đầu. Nên chọn sắt hộp để hàn chặt các mí, yên tâm không bị tốc mái khi gió lớn.
– Lưu ý làm hệ thống máng thoát nước lớn, chắc chắn, test kỹ ở cường độ nước liên tục. Cách đơn giản là cho xả nước liên tục lên mái để kiểm tra độ thoát nước.
– Đối với các quán lợp ngói, nhớ kiểm tra chất lượng ngói. Nhiều khi chỉ 1 viên ngói bể mà gió lồng bay mái cả cái quán.
– Đảm bảo cốt nền của quán bạn cao hơn mặt đường từ 30 – 60cm, nhất là đối với những khu vực hay ngập nặng. Còn đối với những quán ở vùng trũng, nên bố trí hệ thống máy bơm nước ngay từ đầu để khi có sự cố thì bơm kịp thời. Nên sử dụng máy bơm từ 2 ngựa trở lên và loại tốt. Nhiều khi 1 cái máy bơm cứu cả cái quán của bạn.
Tóm lại, khi làm quán bạn phải hình dung được nếu mưa bão lớn thì những nguy cơ của quán bạn là gì để khắc phục ngay từ khi xây dựng quán.
QUÁN CÀ PHÊ4. Những lưu ý khi mưa bão
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị. Chỉ cần nghe gió trên cấp 8 hoặc mưa trên 250mm là phải lo rồi. Nghỉ bán một vài ngày để kiểm tra lại toàn bộ.
Các hạng mục cần làm:
– Chống cây cối cho chắc chắn, cắt tỉa cành lá đối với các cây to, tháo các thứ treo trên cây xuống. Nếu không tháo được thì cột lại cho chắc.
– Kiểm tra mái tôn, ống thoát nước. Nhiều khi lâu ngày bạn không kiểm tra ống thoát nước bị nghẹt mà bạn không biết. Gia cố lại mái cho chắc chắn (như chèn thêm bao cát, bao nước).
– Kiểm tra hệ thống dây kéo bạt đảm bảo kéo ra được nhanh. Bạn có thể không cần kéo bạt ra ngay (vì như vậy đồng nghĩa với cho quán phơi mưa) nhưng phải đảm bảo có người trực để khi có gió lớn thì kéo ngay lập tức.
– Di dời các thiết bị điện khỏi nơi có nguy cơ ngập nước, kiểm tra các mối điện bị rò rỉ, tắt cầu dao điện nếu mưa to, gió lớn (chuẩn bị nến dự phòng). Khi mưa bão, bạn cần hết sức cẩn trọng về điện, tốt nhất là sập điện.
– Bố trí người trực quán để xử lý các tình huống khẩn cấp. Lưu ý khi mưa to gió lớn thì tốt nhất không làm gì cả, chỉ làm khi vừa mới bắt đầu và có nguy cơ bị sự cố (như kéo bạt ra nếu cảm thấy gió lớn, bơm nước nếu nước tràn vào quán,…). Còn trong bão thì tốt nhất là tìm chỗ trú an toàn và cầu nguyện.
– Chú ý các đường luồng gió, bịt kín các khả năng gió có thể luồng vào. Trong trường hợp gió đã luồng vào rồi mà không đỡ nổi thì mở toang luôn đỡ thiệt hại hơn.
– Sắp xếp bàn ghế vào chỗ khô ráo (nhất là ghế nệm). Tốt nhất là lấy bạt phủ kín bàn ghế để đỡ thiệt hại.
– Dùng nilon, bao nhựa bọc lại quạt, loa, tivi (những thứ không thể tháo ra được).
– Sau mưa bão thì kiểm tra kỹ xem các thiết bị điện có bị ẩm ướt không trước khi mở lại. Kiểm tra kỹ trước khi bật lại cầu dao điện, tránh tình trạng vừa mở điện lên thì nghe đùng đùng khét lẹt.
Mưa bão là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu bạn có hiểu biết về nó và có chuẩn bị kỹ ngay từ đầu thì sẽ giảm bớt thiệt hại. Khi làm quán, bạn nhớ note lại những gì có thể xảy ra khi mưa bão để có sự chuẩn bị trước.
Còn 2 – 3 cơn bão lớn ở phía trước trong năm nay. Mình hy vọng các anh em làm quán sẽ ít bị thiệt hại nhất trong mùa mưa bão năm nay với những kinh nghiệm mình vừa chia sẻ.
Nguồn: Nghia Binh
Show Comments (0)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo