Nhắc đến vấn đề hợp tác với các ứng dụng giao hàng, hầu hết nghĩ đến việc tải ứng dụng, tự đăng ký một tài khoản hoặc nhanh gọn hơn là liên hệ cho chuyên viên để giao phó tất cả. Chưa ai thật sự nói đến khâu chuẩn bị để tham gia vào dịch vụ giao hàng, hay khi nào quán đã sẵn sàng để giao hàng.
Đầu tiên, mối quan hệ giữa quán và ứng dụng là mối quan hệ rất nên xây dựng nếu muốn mở rộng việc kinh doanh, tăng doanh thu mà vẫn tiết kiệm nguồn lực. Quán trả phí để được quảng bá tên tuổi, để đẩy mạnh doanh số, để tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Ứng dụng mang tên tuổi quán tiếp cận đến lượng người dùng khổng lồ, thu lợi từ hoa hồng tài xế, từ lợi nhuận quán, từ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo, hợp tác. Về phía người dùng, họ thông qua ứng dụng để tìm kiếm được những quán ăn theo nhu cầu, trả tiền phí dịch vụ, phí ship để chỉ việc ngồi tại nhà và thưởng thức bữa ăn. Việc thanh toán được tối ưu hóa thông qua các loại ví điện tử.
Hiện nay, 5 ứng dụng giao hàng phổ biến nhất là Now, Grabfood, Beamin, GoFood và Loship. Cách đăng ký bán hàng trên các nền tảng này đều có thể dễ dàng tìm thấy trên Google. Nếu bạn ngại quán mình nhỏ lẻ, khách thưa thì có thể đến trực tiếp văn phòng đại diện để đăng ký. Vì thường các quán lớn, đông khách sẽ được tổng đài ưu tiên hỗ trợ hơn nên bạn mất thêm thời gian chờ đợi nếu đăng ký trực tuyến.
CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?
1. Hoàn thiện menu
Không phải bất cứ món gì trong menu của bạn cũng phù hợp để giao hàng cho khách ở xa tận 5km. Lợi nhuận bạn mang lại từ món đó có thể nhiều, nhưng chắc chắn không nên đánh đổi với danh tiếng và sự chuyên nghiệp của quán. Vì vậy, hãy cân nhắc lượt bỏ các món thiếu an toàn như các dòng đá xay, các món có kem tươi, các món phân tầng… Khách hàng sẽ bỏ qua khi không tìm thấy món yêu thích trên menu, nhưng chắc chắn không bỏ qua nếu bạn giao cho họ một món đá xay mà đến nơi chỉ còn là thứ chất lỏng nhàn nhạt có hương vị.
2. Hoàn thiện quy trình take away
Bạn cần lên cho quán một quy trình ra món hoàn thiện. Việc tiếp đón, phục vụ khách hàng tại quán sẽ đơn giản hơn nhiều so với phục vụ những khách hàng mà mình không hề gặp mặt. Thường những quán đồ uống, quán ăn nhỏ lẻ vẫn chạy theo quy trình tự phát kiểu truyền thống. Khách đến gọi, ai rảnh tay thì làm. Pha chế rảnh tay thì bê luôn ra tận bàn cho khách, pha chế bận thì phục vụ vào quầy tự lên món theo công thức có sẵn. Sẽ vẫn ổn nếu quán có lượng khách dàn đều, hơi bất ổn nếu khách đông theo giờ. Và rất không ổn nếu sử dụng quy trình này khi hợp tác với ứng dụng giao hàng.
Có 2 phương án:
1. Một quy trình áp dụng cho cả khách tại chỗ và khách takeaway
2. Hai quy trình áp dụng riêng cho khách tại chỗ và khách takeaway
Những quán nhỏ thường chọn tối ưu nhân lực bằng phương án 1. Nghĩa là khi nhân viên giao hàng đến nhận, họ sẽ đứng chung vào hàng chờ đến lượt như khách tại chỗ. Việc trộn lẫn hai nhóm khách này vào rất dễ xảy ra tình trạng rối đơn. Đơn tại chỗ thì lại chuẩn bị bao bì take away, đơn take away thì lại chờ mãi chưa thấy đồ uống được cho vào túi. Vào giờ cao điểm, chắc chắn không thể tránh khỏi tình trạng rối đơn và mất thêm thời gian chữa cái rối đó.
Vậy tối ưu bằng cách nào? Một số quán chọn sử dụng một kiểu đóng gói cho tất cả các khách tại chỗ lẫn mang đi. Cách đóng gói như nhau giúp việc gỡ rối đơn ít mất thời gian hơn. Khi tất cả các đồ uống đều được cho vào ly nhựa, việc mang đi chỉ tốn thêm công bỏ ly vào túi nữa thôi. Trong khi nếu chia ra thành ly thủy tinh cho khách tại chỗ và ly nhựa cho khách mang đi, quá trình xử lý sai sót sẽ kéo dài hơn, bao gồm chuyển đồ uống từ loại ly này sang ly kia, lấy ra hoặc bỏ vào túi các món đồ uống chính xác. Sự nháo nhào trong quầy pha chế, quầy thu ngân sẽ làm gãy cả một quy trình. Chưa kể có khách ngồi uống tại chỗ nhưng vì lý do nào đó lại muốn chuyển thành ly mang đi. Rồi khách giục, khách hối, giờ cao điểm dồn đơn…
Phương án thứ 2 được sử dụng nhiều ở các quán lớn, các chuỗi có số lượng khách mua về cao. Hai quy trình có thể tách rời hoặc gộp chung ở một vài bước. Nếu chọn gộp chung, thường là chung quầy thu ngân, chung pha chế. Khâu đóng gói và sang tay khách sẽ được giữ tách rời để tránh rối và đảm bảo không sai đơn.
3. Chọn phương án đóng gói
Ly nhựa hoặc một số thương hiệu sử dụng ly giấy để đóng gói đồ uống mang đi. Ngoài ra, chai nhựa, chai thủy tinh cũng đang dần được đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn cách thức đóng gói đơn giản nên không phải đề cập đến nữa. Quan trọng là bạn cần tạo ra sự đồng bộ trong tất cả các bao bì, ly, muỗng, chai, nhãn mác… của quán. Chúng cần đồng bộ nhau, đó là điều chắc chắn. Ngoài ra, hãy giữ chúng đồng bộ với nhận diện thương hiệu mà bạn đã giới thiệu đến khách hàng thông qua các ứng dụng giao hàng. Điều này không những giúp tạo sự tin tưởng cho khách hàng đặt món từ xa, mà còn hạn chế thấp nhất việc bị mạo danh, chơi xấu.
4. Tính toán lại chi phí
Khi quyết định lên ứng dụng là đồng nghĩa với việc bạn chia sẻ lợi nhuận của mình để đẩy mạnh doanh số và tên tuổi. Bài toán này mỗi chủ quán sẽ tự tính được để xem lợi hay hại khi hợp tác với các ứng dụng giao hàng. Bạn có sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận hay vẫn muốn thu lại đủ mức lợi nhuận như khi bán cho khách tại chỗ?
Thật ra, khi quán đã hoạt động trơn tru và bạn có lợi nhuận, bạn cảm thấy việc lên ứng dụng và chia sẻ lợi nhuận sẽ hơi khó nghĩ. Nhiều khi bạn quên mất rằng mình đã đầu tư bao nhiêu cho mặt bằng lớn, cho nội thất thoải mái, cho không gian mát mẻ… Số đầu tư đó được tính vào mỗi ly nước mà bạn bán cho khách tại chỗ. Trong khi ly nước cho khách mang đi lại rất ít hoặc hoàn toàn không tốn chi phí đầu tư đó. Nhưng nếu muốn chắc ăn hơn về mức lợi nhuận, bạn có thể đẩy giá món lên cao hơn so với menu tại quán. Hầu hết khách hàng đều có thể chấp nhận khi giá món trên ứng dụng cao không quá 4k giá món thực tế.
5. Dự trù số lượng
Các quán thành công trên ứng dụng giao hàng thường là các quán có giờ cao điểm rõ rệt. Nghĩa là, cùng một lúc bạn sẽ phục vụ lượng khách tại chỗ lớn, vừa giải quyết đơn cho hàng chục anh shipper đang xếp hàng chờ. Chưa kể nếu đang chạy khai trương, ưu đãi thì thậm chí không kịp nghỉ thở. Là chủ hoặc quản lý, bạn chắc chắn đã nắm được hoặc dự trù được những thời điểm đông khách và xu hướng order món của từng nhóm khách. Hãy dự trù hoặc chuẩn bị trước một vài khâu để quy trình được trơn tru hơn vào giờ cao điểm.
Ador