“NHÀ NÀY RẺ QUÁ MÀ CÒN RỘNG NỮA, KHÔNG THUÊ THÌ PHÍ” hay “CỐ KIẾM CHỦ NHÀ DỄ TÍNH SẼ DỄ LÀM VIỆC HƠN”
Một tâm lý dễ thấy ở rất nhiều người là dù đã đặt ra tiêu chí, chỉ tiêu rõ ràng trước khi đi thuê, đến khi đi xem một địa điểm thực tế mà chỗ đó có thể thiếu một tiêu chí hoặc mức giá nhỉnh hơn chút so với ngân sách ban đầu nhưng vì diện tích lại quá rộng rãi thế là lại “cố đấm ăn xôi”. Tự nhủ với lòng mình ”Mấy khi tìm được chỗ rộng thế này, cố thêm tý sau này làm được nhiều thứ, bla bla”.
Nhưng, cái sự “rộng rãi” đó sẽ thường đi liền với các việc sau:
– Chi phí đầu tư sửa chữa và trang bị công cụ bán hàng tăng.
– Rộng hơn thì sữa lâu hơn => thời gian đó cũng bị tính tiền nhà => lại tăng tiền thuê nhà.
– Thậm chí là kế hoạch kinh doanh của bạn cũng phải thay đổi theo (thời gian hòa vốn, giá bán sản phẩm, áp lực về quản lý quy mô lớn…).
Tin mình đi, không ai thuê nhà đẹp rộng rãi mà kìm nén được việc đổ tiền vào sửa sang cho nó tới luôn, những người mà nghĩ rằng “Thôi thuê làm trước một nửa sau đấy tiến triển tốt thì sửa tiếp làm tiếp” chắc hiếm lắm ạ.
Tất nhiên không ai đi kinh doanh lại chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện rủi ro, nhưng đi thuê nhà cũng như đi shopping vậy đó các bạn. Cần có sự tỉnh táo để biết thế nào là đủ.
Ngoài sai lầm lớn này thì trong quá trình đi thuê, người mới thuê còn thường gặp vấn đề với chủ nhà.
“Cố kiếm chủ nhà dễ tính sẽ dễ làm việc với nhau”. Nên nhớ “dễ tính” hay “khó tính” không phải là thước đo cho việc thuê nhà kinh doanh. Tư tưởng này rất hay gặp ở các bạn trẻ mới khởi nghiệp. Hãy nhớ những điều quan trọng khi làm việc với chủ nhà.
1. KHÔNG ĐƯỢC NGẠI khi trao đổi, khi thấy lấn cấn là bạn phải đề cập và làm rõ ngay. Có chủ nhà khó tính nhưng họ sòng phẳng thì lại dễ làm việc được lâu dài vì mọi thứ rõ ràng với nhau ngay từ đầu.
Một số bạn nghĩ chủ nhà đưa ra hợp đồng không quá phức tạp là “dễ tính” nhưng thực chất đó lại là con dao hai lưỡi. Khi mọi thứ được viết trong hợp đồng quá “chung chung mơ hồ” thì càng làm việc lâu dài sẽ càng vướng nhiều vấn đề tranh chấp, thua thiệt. Nên nhớ, đã là người đi thuê là đã thiệt rồi nên càng rõ ràng mọi thứ trong hợp đồng càng tốt cho mình về sau.
2. CHỈ KÝ HỢP ĐỒNG KHI ĐỒNG THUẬN CẢ 2 BÊN, trong trường hợp chủ nhà quá khó và không tạo nhiều điều kiện, không có được thống nhất chung nhất giữa 2 bên thì đừng nên vì tiếc mặt bằng mà nhắm mắt ký hợp đồng. Khi đã ký vào hợp đồng, người không quay đầu lại được chính là bạn.
3. CHỦ ĐỘNG đưa ra hợp đồng. Hợp đồng nên theo hợp đồng do mình chuẩn bị, các điều khoản cần rõ ràng và thỏa thuận đúng những gì đã nói. Thậm chí, có thể làm bản thỏa thuận chốt viết tay, sau khi đã trình bày quan điểm và hoàn cảnh (nếu có) và chốt được những lợi ích mình đã đạt được ngay tại lúc đó.
Mình đã từng bị “thẫn thờ, sững sờ” với nhiều cô chú khi mà hôm trước đã từng rất xởi lởi tưởng như đã xong xuôi, mình cũng bỏ cọc nhà chỗ khác luôn rồi thì hôm sau sang gặp ký, cô chú hồn nhiên nói chưa chốt gì, hoặc là cô thì không sao nhưng chú không đồng ý nên cuối cùng là không cho thuê nữa.Phải làm trực tiếp với người có sự quyết định, cả về pháp luật lẫn “gia đình luật” chứ không là dễ ê chề lắm.
Túm lại, để thuê địa điểm kinh doanh sao cho phù hợp nhất và thuận lợi cho việc làm ăn sau này nhất thì bạn phải nhất quán hành động dựa trên kế hoạch kinh doanh của mình. Đừng nên vì một lý do gì đó quá cảm tính, đến trong lúc nhất thời mà dẫn đến những chi phí đầu tư hoặc những sai hướng trong kinh doanh sau này. Vì thuê nhà sai là một trong những sai lầm khó hoặc có thể nói là không thể sửa chữa được.
Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Lê Thuỳ Trang