Chắc chắn đây là nỗi lo không nhỏ khi kinh doanh F&B. Nhiều trường hợp, quán ngày nào cũng đông khách, thậm chí có những hôm quá tải, nhưng cuối tháng tính ra không có lãi hoặc lãi ít. Công sức bỏ ra rất nhiều nhưng vô tình lại nuôi một chiếc túi khác. Tiền đã đi đâu???
1. Phục vụ
1.1. Mánh khoé
– Mang hàng hóa bên ngoài vào bán cho khách ăn chênh lệch.
– Bia, nước ngọt, nước suối… khách trả nhưng không nhập kho (chuyển sang bàn khác tự tính tiền).
– Gian lận tiền TIP chung.
– Lợi dụng khách say hoặc không để ý, xếp thêm thức uống vào để tính tiền thêm.
– Kết nối với các bộ phận khác hủy món cho người thân, bạn bè để không phải trả tiền hoặc thu riêng tiền của khách.
– Thối thiếu tiền cho khách.
1.2. Giải quyết
– Quy định nhân viên không được mang theo tiền trong lúc làm việc.
– Không được rời khỏi vị trí làm việc khi chưa có sự đồng ý của cấp trên.
– Cần có nhân viên thủ kho. Nếu không có nhân viên kho cần xuất bia nước theo số lượng nhất định, cho từng nhân viên đầu ca và kiểm tra đối chiếu order-bill cuối ca.
– Dán thông báo, nhắc nhở khách kiểm tra bill và tiền thừa khi thanh toán.
2. Thu ngân – kế toán
2.1. Mánh khoé
– Không in bill thanh toán.
– Thanh toán bằng bill tạm tính nhưng không hoàn tất bill. Khi khách hàng khác order trùng món thì chuyển bàn, đút túi phần tiền cũ.
– Nhập hoặc chỉnh sửa số liệu kho, định lượng món không chính xác.
– Kê thêm món vào bill thanh toán (gây thiệt hại cho khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tên tuổi quán).
– Lợi dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá để ăn chênh lệch hoặc tính tiền các món miễn phí.
– Chỉnh sửa giá bán.
– Sử dụng 1 bill nhiều lần (trùng món, trùng tiền).
– Tự ý phụ thu thêm phí dịch vụ.
2.2. Giải quyết
– Không được mang theo tiền trong lúc làm việc, không mang tiền ra khỏi quầy thu ngân, không xem doanh thu.
– Sử dụng phần mềm có tính năng tạo và theo dõi khuyến mãi, lưu vết chỉnh sửa, xuất được báo cáo thu chi, nhập được định lượng nguyên liệu các món. Tính toán được hàng tồn kho. Và phân quyền chỉnh sửa rõ ràng, chặt chẽ.
– Kiểm tra hàng ngày số lượng hàng tồn kho và đối chiếu với báo cáo.
– In order từng bộ phận (thu ngân, bếp, pha chế, kho…)
– Dán thông báo nhắc nhở khách lấy bill, kiểm tra bill khi thanh toán.
– Hủy món, khách trả thiếu tiền, nợ… phải báo cáo cấp trên.
– Lắp camera quan sát các hành vi bất thường.
3. Bếp – pha chế
3.1. Mánh khoé
– Yêu cầu các loại nguyên liệu nhưng không dùng (sử dụng riêng).
– Cho miễn phí người thân, bạn bè các món ăn, thức uống.
– Kết nối với các nhà cung cấp ăn chênh lệch giá bán, chênh lệch khối lượng, số lượng nguyên vật liệu.
– Đánh cắp nguyên vật liệu.
– Chế biến không đúng định lượng quy định, gây ảnh hưởng đến chất lượng món ăn thức uống. Từ đó gian lận nguyên vật liệu thừa.
3.2. Giải quyết
– Cần nắm rõ cách chế biến và định lượng nguyên liệu từng món.
– Thường xuyên kiểm tra chất lượng, định lượng món ăn, nước uống.
– Yêu cầu báo cáo và kiểm tra các nguyên vật liệu, nguyên vật liệu hư hỏng hàng ngày.
– Cần có ít nhất 2 bộ phận kiểm tra và xác nhận khi nhập hàng.
Nguồn: Ivan Nguyễn