Chỉ cần tham gia vào một hội nhóm pha chế bất kỳ và đăng bài “Mình cần tìm mua phần mềm bán hàng cho quán”, ngay lập tức có rất nhiều sale vào chào phần mềm. Tuy nhiên, vấn đề là không phải sale nào cũng muốn mang lại phần mềm tốt cho khách, không phải khách nào cũng chọn được phần mềm phù hợp với quán của mình.
Mỗi mô hình sẽ có cách vận hành khác nhau, mà phần mềm thanh toán ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành. Một số sai lầm mà mọi người hay mắc phải khi chọn phần mềm thanh toán:
1. Chưa chốt mô hình đã vội mua
Cần xác định quán bạn sẽ dùng mô hình trả trước hay trả sau, quy trình thanh toán sẽ như nào. Tuy nhiên mọi người thường hay mua phần mềm trước khi chốt mô hình, sau đó sẽ phát sinh một số thứ thừa thãi. Ví dụ dùng cốc cứng nhưng mua thừa máy in tem, hoặc mô hình take away nhưng không mua máy in tem mà mua thành máy in bếp, hoặc bếp một nơi, bar một nẻo nhưng trang bị thiếu máy in vào bếp, khiến việc vận hành bị chồng chéo.
2. Chưa tìm hiểu qua giao diện bán hàng
Một số phần mềm có giao diện bán hàng thật sự rất lằng nhằng và khó nhìn, chưa được tối ưu. Điều này gây ra khó khăn nhiều cho thao tác của thu ngân. Ví dụ như việc dùng bàn phím ảo để ghi chú cho bill, muốn nhanh có lẽ dùng bàn phím cứng sẽ nhanh hơn rất nhiều. Bạn nên nhớ một phần mềm thông minh, giao diện càng đơn giản dễ nhìn càng tốt, không phải cứ tích hợp một tỷ thứ trên một cái màn hình thì nghĩa là nó đầy đủ.
3. Cắt bớt những thứ không nên cắt trong combo máy
Không phải tự dưng các nhà cung cấp phần mềm đưa ra các combo. Ngoài việc phục vụ cho việc tăng doanh thu, nó còn giúp các chủ quán tối ưu cho việc mua sắm, không mất nhiều thời gian tìm hiểu chọn lựa. Nhưng chỉ vì cố cắt bớt một số thứ sẽ khiến cho việc hoạt động sau này của quán gặp trục trặc. Ví dụ bạn dùng laptop để thay cho máy bán hàng, nhưng khi gặp trục trặc phần mềm phần cứng, chẳng ai bảo hành cho.
4. Lựa chọn phần mềm không tối ưu cho FnB
Quy trình vận hành của FnB khác với các ngành bán lẻ khác nên phần mềm dành cho nó cũng phải có sự phù hợp. Có trường hợp như thế này: Mô hình thanh toán trả trước, phần mềm nên in báo bếp sau khi in bill. Như vậy nhân viên sẽ không thể gian lận bằng cách xóa món và thông đồng với nhau. Tuy nhiên có phần mềm không làm được điều đó mà phải có thao tác tự ấn báo bếp và in báo bếp trước khi in bill, nhân viên dễ gian lận hơn.
5. Quy mô phần mềm không phù hợp với quy mô quán
Có cửa hàng bé nhưng mua phần mềm thì rất to, cồng kềnh, dùng hàng tá tính năng mua thêm mà có khi bạn chẳng bao giờ thật sự dùng đến nó, chẳng khác gì giết gà lại dùng dao mổ trâu. Có cửa hàng thì to đùng thì lại lựa chiếc phần mềm quá yếu, cấu hình thiết bị yếu, thao tác màn hình chậm, đông khách thao tác liên tục giật lag. Bạn xem bản demo, bạn sẽ chưa thấy nó lag, cho đến khi bạn mua nó và quán bạn đông khách. Cho nên một người tư vấn có tâm sẽ biết quy mô quán nhà bạn cần phần mềm ở tầm cỡ thế nào mà tư vấn cho phù hợp chứ không chăm chăm vào việc được hưởng bao nhiêu chiết khấu từ nó.
Nguồn: Nguyễn Quang Tôm